Cửa khẩu Tho Mo, Long An: Bản án nghiệt ngã cho 2 gia đình nghèo
Tòa cho rằng, do ngày xưa nguyên đơn không trả khoản tiền 1,75 triệu đồng còn thiếu khi thanh toán phần “đất thừa” còn lại phía sau nên phía bị đơn không bán nữa mà lấy lại toàn bộ thửa đất. Nếu phía nguyên đơn muốn giữ đất thì nay phải trả số tiền 580 triệu đồng cho phần đất đó.
Chính quyền đã công nhận chủ sở hữu
Vụ tranh chấp nằm tại các thửa đất số 220, 221, 222 và một phần thửa 219 thuộc tờ bản đồ số 2 tọa lạc tại ấp 3, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ.
Sau chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979, Ủy ban nhân dân xã Mỹ Quý Tây tiến hành quy hoạch sắp xếp lại dân cư ra ở cặp hai bên các trục lộ giao thông trên địa bàn để thuận tiện trong việc quản lý tình hình biên giới rất phức tạp lúc bấy giờ. Trong quá trình sắp xếp, Ủy ban xã Mỹ Quý Tây đã cấp cho hộ bà Dương Thị Sáu một phần đất theo quy hoạch mặt lộ có chiều ngang 30m, sâu vào phía trong 40m trên các thửa đất số 221, 222 tờ bản đồ số 2 ấp 3 xã Mỹ Quý Tây và cấp cho hộ ông Dương Văn Đế một phần đất theo quy hoạch mặt lộ ngang 30m sâu vào 40m trên thửa đất số 219. Từ đó hai hộ nêu trên đã cất nhà ở ổn định.
Đến khoảng năm 1989, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An có Quyết định số 609/QĐ.UB về việc "trả hoa lợi cho chủ cũ", mọi người đều phải thực hiện như nhau. Nhưng do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên hộ ông Dương Văn Đế và bà Dương Thị Sáu chưa trả được hoa lợi cho ông Lâm Văn Trị. Đến năm 2001, Nhà nước có chính sách cất nhà tình thương, tình nghĩa cho các hộ có công với cách mạng trong đó có hộ nhà ông Dương Văn Đế cũng được xét cất nhà với điều kiện có đất ở. Vì vậy ông Đế bà Sáu có nhờ Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Mỹ Quý Tây cùng Ban quản lý Ấp 3 có mời chủ đất cũ là ông Trị đến để cùng thương lượng, thỏa thuận để ông Đế bà Sáu trả tiền hoa lợi. Sau khi bàn bạc thống nhất, các bên nhờ cán bộ địa chính đo theo nội dung thỏa thuận của hai bên.
Ngày 03/8/2001, Ủy ban nhân dân huyện Đức Huệ có Quyết định số 876/2001/QĐ-UBND về việc trao tặng nhà tình thương cho ông Dương Văn Đế. Căn nhà tình thương xây dựng trong điều kiện là hộ nghèo có công với cách mạng. Vì có giá trị thấp, kết cấu đơn giản nên không có hồ sơ bản vẽ mà chỉ xây dựng theo quy cách chung về nhà tình thương tại địa phương. Hiện nay, căn nhà vị trí không thay đổi, phần vách xung quanh trước đây là vách đất, hiện nay đã xây gạch, vì thời gian vách đất bị mục nát. Mặt khác, căn nhà được xây trên nền nhà cũ năm 1979 do Nhà nước cấp cho ông Đế.
Như vậy các thửa đất 220, 221, 222 và một phần thửa 219 do Ủy ban nhân dân xã Mỹ Quý Tây quy hoạch từ năm 1979, ông Trị không sử dụng mà do ông Đế và bà Sáu sử dụng. Ông Trị cũng không xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Ủy ban cũng không xét cấp quyền sử dụng đất cho ông Trị.
Bản án nghiệt ngã cho gia đình nghèo
Tháng 10/2013, bà Lâm Thị Bích Đông (con gái ông Trị) hùng hổ cùng dàn xe ben mang đất đổ vào nơi bà Dương Thị Nị và ông Dương Văn Sông (con của ông Dương Văn Đế) đang ở, diện tích đổ đất chiếm 48m2. Cùng lúc, bà Đông đổ đất tràn cả vào phần đất đã bán cho ông Đế hồi năm 2001 (thửa 220). Trong vòng 2 năm 2013 và 2014 UBND, xã Mỹ Quý Tây nhiều lần mời hai bên đến hòa giải nhưng bất thành nên buộc lòng phải chuyển hồ sơ lên TAND tỉnh Long An giải quyết.
Trong đơn khởi kiện, các ông bà Nị và Sống yêu cầu ông Lâm Văn Trị (bị đơn) phải trả lại diện tích đất 1.200m2 đất (30 x 40m) tại thửa 220 trong đó một phần bà Lâm Thị Bích Đông (con gái ông Trị) đã cho xe đổ đất mặc dù mảnh đất này ông Trị đã bán cho ông Đế và nhận đủ tiền. Về phía bà Đông thì lập luận rằng, đất đã bán nhưng bên ông Đế không trả đủ tiền nên lấy lại đất. Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Sông (người nhận ủy quyền) thì gia đình đồng ý trả lại 1/2 mảnh đất mua thêm (khoảng 300m2) ở phía sau. Phần đất này từ khi mua (nhưng chưa trả tiền) đến nay vẫn không được ai đụng chạm đến. Điều vô lý là bà Đông cố ý chiếm 1.200m2 đất từ mặt tiền ra phía sau, lấy luôn một phần đất đã bán.
Mới đây ngày 23/9/2020, TAND tỉnh Long An đã đưa vụ kiện ra xét xử với phán quyết phía bà Dương Thị Nị (do ông Dương Văn Sông được ủy quyền) trả cho ông Lâm Văn Trị phần đất còn lại là 580 triệu đồng! Tòa cho rằng, do ông Đế ngày xưa không trả khoản tiền 1,75 triệu đồng còn thiếu nên phía ông Trị không bán nữa mà lấy lại toàn bộ thửa đất. Với lý do, bà Nị, ông Sông, bà Sáu (nay đã mất ngày 27/1/2021) đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên ông Trị không đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng trên và yêu cầu ông Sông bà Sáu trả lại đất. Phần nhà ông Sông cất trên đất, trước đây là nhà tình thương, sau này khi nhà xuống cấp, ông Đế xây dựng lại thì phía ông Trị có ngăn cản, ông Sông nói trường hợp Tòa án buộc giao đất ông sẽ tháo dỡ nhà, không yêu cầu bồi thường. Về hậu quả khi hủy hợp đồng chuyển nhượng, ông Trị đồng ý chịu 50% thiệt hại theo giá trị quyền sử dụng đất hiện tại.
Theo đó mảnh đất mà bà Sáu, ông Đế được cấp trước kia thuộc phần đất của ông Lâm Văn Trị nên hai nhà buộc phải "mua" lại với giá 3 triệu đồng/mảnh. Trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, ông Trị nhận tiền và "giao" đất. "Ổng còn nói thêm, tao còn lại một chút xíu đất nối phía sau, mua thì tao bán luôn, tiền trả sau cũng được" - bà Sáu nhớ lại. Mảnh đất thừa thẹo phía sau có diện tích khoảng 600m2, ông Trị bán 3,5 triệu đồng cho 2 nhà bà Sáu, ông Đế. Bà Sáu sau đó lo được tiền trả cho ông Trị 1,75 triệu đồng, còn ông Đế dù rất cố gắng vẫn không kiếm ra được tiền trả, đành khất lần hẹn lữa. Và cũng chính vì một nửa mảnh đất "thừa thẹo" này mà 40 năm sau trở thành câu chuyện làm xôn xao cả xóm nghèo ấp 3 xã Mỹ Quý Tây.
Châu Phụng - Tiến MạnhTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.