Cửa khẩu thông quan, giá trái cây tăng gấp 4-5 lần trước Tết
Không còn ùn tắc, các xe chở thanh long, mít, xoài, chuối... sang Trung Quốc thông quan thuận lợi, nhờ đó, giá nhiều loại trái cây tăng gấp 4-5 lần thời điểm trước Tết.
Trước Tết Nhâm Dần, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu. Tình tạng này kéo dài tới gần 2 tháng khiến nhiều loại trái cây vào chính vụ lao dốc, giá rẻ như cho. Có thời điểm, giá thanh long giảm sâu, có nơi chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg.
Tại Bình Thuận, Tiền Giang và Long An, khoảng 300.000 tấn thanh long sẽ cho thu hoạch vào quý 1/2022. Trung Quốc là thị trường chính, chiếm 80% lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Việc “tắc đường” sang quốc gia 1,4 tỷ dân này làm cho giá thanh long giảm chạm đáy.
Tuy nhiên, sau thời gian Tết Nguyên đán, tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, những chuyến hàng xoài, mít, thanh long… đầu tiên trong năm nay đã được xuất sang Trung Quốc. Từ mùng 3 Tết đến nay đã có khoảng 300 container hàng nông sản được xuất khẩu.
Còn tại các cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai) hoạt động xuất nhập khẩu vẫn được duy trì trong những ngày Tết. Đã có khoảng 500 container hàng được xuất đi, trong đó phần lớn là hàng nông sản.
Giá các loại trái cây theo đó cũng tăng vọt trở lại, gấp 4-5 lần thời điểm trước Tết. Nhà vườn phấn khởi, tất bật thu hái để kịp xuất hàng sang Trung Quốc.
Một nhà vườn trồng thanh long ở Bình Thuận cho hay, thương lái đang tranh nhau mua thanh long với giá cao. Ngày hôm qua, nhà vườn cắt bán 8 tấn thanh long với giá 15.000 đồng/kg. Trong khi thời điểm trước Tết, hàng này chỉ bán được với giá 3.000 đồng/kg
Theo người chủ, đây là thanh long nghịch vụ, hàng không có nhiều. Thời điểm này thương lái "ăn hàng" để đưa sang Trung Quốc kịp rằm tháng Giêng Âm lịch. Đặc biệt, thanh long cũng đã thông quan tại nhiều cửa khẩu, không còn ùn ứ như trước.
Với giá này, sau khi trừ đi chi phí chăm sóc, phân bón, chong đèn... chủ nhà vườn lãi trên dưới 100 triệu đồng.
Mấy ngày sau Tết Nhâm Dần, giá thanh long ở tỉnh Bình Thuận được thương lái thu mua tại vườn khoảng từ 14.000-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nguồn hàng ít, nhiều nông dân không có thanh long chín để bán. Theo đó, từ nay đến cuối tháng 3, sản lượng thanh long toàn tỉnh đến kỳ thu hoạch ước khoảng 50.000 tấn.
Tại các tỉnh miền Tây, giá nhiều loại trái cây cũng có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, giá mít Thái loại 1 được thu mua với giá 24.000-25.000 đồng/kg, loại 2 từ 12.000-14.000 đồng/kg. So với trước Tết, giá mít tăng thêm khoảng 6.000-10.000 đồng/kg.
Tương tự, dưa hấu sau Tết cũng tăng lên mức 12.000-14.000 đồng/kg, cam sành 17.000 đồng/kg, chuối 8.000 đồng/kg...
Có thể thấy, nguồn cung hàng đang bước vào thời kỳ khan hiếm hơn trước Tết, cộng thêm xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đã thông thương trở lại đã đẩy giá trái cây đồng loạt tăng mạnh.
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã chính thức mở cửa thông quan trở lại từ mùng 3 Tết. Nhờ đó, nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được nối lại, không còn ách tắc như thời điểm trước Tết. Đáng chú ý, những chuyến hàng đầu tiên sang Trung Quốc chủ yếu là các loại nông sản như xoài, mít và thanh long.
Thông tin từ Lạng Sơn, trong quý 1/2022, tỉnh này sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) được vận hành với quy mô 4 làn xe xuất nhập khẩu. Cùng với đó, hoàn thành cải tạo, mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu song phương Chi Ma lên 4 làn xe.
Tỉnh cũng sẽ áp dụng "cửa khẩu số", đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ từng dịch vụ khu vực cửa khẩu nhằm tăng cường năng lực thông quan hàng quá xuất khẩu, hạn chế ùn tắc khi bước vào thời kỳ cao điểm.
Khánh VyTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.