Cục Hải quan tỉnh Bình Định: Chặng đường 38 năm xây dựng và phát triển
"Qua 38 năm xây dựng và phát triển, vượt qua những khó khăn thử thách, Cục Hải quan tỉnh Bình Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên". Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trung Phong - Cục phó Cục Hải quan tỉnh Bình Định.
Đồng chí Nguyễn Trung Phong - Cục phó Cục Hải quan tỉnh Bình Định.
Không ngừng hoàn thiện về mọi mặt
Ngày 02/8/1985, Hải quan Nghĩa Bình (tiền thân của Cục Hải quan tỉnh Bình Định ngày nay) đã được thành lập theo Quyết định số 100/TCHQ-TCCB của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Từ khi thành lập, với cơ sở vật chất, điều kiện làm việc vô cùng thiếu thốn, khó khăn, trang thiết bị nghèo nàn lạc hậu, Ban Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Định vừa tổ chức xây dựng bộ máy, tuyển dụng lực lượng, vừa bắt tay vào công tác nghiệp vụ.
Từ tháng 8/2002 đến nay, địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh Bình Định gồm 2 tỉnh: Bình Định và Phú Yên; bộ máy tổ chức hiện tại có 6 đơn vị thuộc và trực thuộc, tổng biên chế hiện có 163 cán bộ, công chức và nhân viên hợp đồng lao động. Số lượng công chức có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ 97,6%.
Mục tiêu của Cục Hải quan tỉnh Bình Định và ngành Hải quan là phấn đấu xây dựng Hải quan Việt Nam trở thành cơ quan Hải quan điện tử hiện đại, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về hải quan, trở thành cơ quan đi đầu trong cung cấp dịch vụ công, tạo thuận lợi cho các đối tác trong thực hiện thủ tục hải quan. Ông Nguyễn Trung Phong - Cục phó Cục Hải quan tỉnh Bình Định cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu này, đơn vị tập trung triển khai một số nột dung công tác trọng tâm sau:
Triển khai thực hiện tốt Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý hải quan, các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là các lĩnh vực thương mại, đầu tư,… có liên quan đến công tác quản lý hải quan để chủ động triển khai nhiệm vụ đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK nâng cao tính tuân thủ pháp luật và thực hiện đầy đủ các quy định, nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Triển khai thực hiện tốt công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan. Trong những năm gần đây, Cục Hải quan tỉnh Bình Định đã rất tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính, đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan, tích cực, chủ động chuyển đổi từ phương pháp quản lý thủ công sang phương pháp quản lý hiện đại; Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS được hoạt động thông suốt từ tháng 5/2014 đến nay; triển khai Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển VASSCM (từ tháng 9/2018 đến nay); tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN; hệ thống miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và xử lý tiền nộp thuế thừa điện tử MGH…
Từ đó giúp cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện nhanh chóng, các chức năng quản lý nhà nước của cơ quan Hải quan được đảm bảo, chặt chẽ và hiệu quả, rút ngắn thời gian thông quan, giảm thiểu giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hải quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp đồng thời cũng tăng tính minh bạch trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, Cục Hải quan tỉnh Bình Định đã có nhiều mục tiêu, giải pháp, trong đó, tập trung vào nhiệm vụ cải cách hiện đại hóa, ứng dụng CNTT cũng như đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cục Hải quan tỉnh Bình Định luôn quan tâm chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thương mại, đầu tư, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn vị duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp các quy định, chính sách pháp luật mới ban hành liên quan đến xuất nhập khẩu, duy trì hoạt động thường xuyên của tổ giải quyết vướng mắc tại Cục và các chi cục; thực hiện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và ghi nhận ý kiến đóng góp, kiến nghị từ phía doanh nghiệp để kiến nghị lên cấp trên về các quy trình, quy định của pháp luật liên quan về hải quan để ngày càng hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, Cục Hải quan tỉnh Bình Định tuyên truyền phổ biến các nội dung chính sách, quy trình thủ tục hải quan cho doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức như niêm yết công khai, đầy đủ rõ ràng tại nơi làm việc của các Chi cục và tại Cục, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân tra cứu cập nhật và tìm hiểu thông tin. Ngoài ra, đơn vị cũng công khai địa chỉ, số điện thoại trên Cổng thông tin điện tử của Cục; duy trì hoạt động đường dây nóng phản ánh vướng mắc của DN và người dân, địa chỉ thư điện tử của bộ phận nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính để các DN và cá nhân liên lạc.
Công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan tại Cục Hải quan tỉnh Bình Định đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động nghiệp vụ tại địa phương. Góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp được hướng dẫn xử lý kịp thời; tạo được sự công khai, minh bạch, rõ ràng trong hoạt động nghiệp vụ và sự đồng thuận trong quan hệ giữa Hải quan và Doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn hai tỉnh: Bình Định và Phú Yên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp, chia sẻ, đồng hành giữa Hải quan và Doanh nghiệp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả trong công tác xây dựng, tổ chức, giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực hải quan; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt Tuyên ngôn phục vụ khách hàng với phương châm hành động của ngành "Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả", góp phần hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí, tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Việt DũngBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.