Cục Hàng không Việt Nam: Kiến nghị triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine cho người nhập cảnh

Kinh doanh
02:02 PM 09/04/2021

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT về việc triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine tại Việt Nam, Cục Hàng không khẳng định: "Việc sớm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ là rất cấp bách". Từ đó, cơ quan này kiến nghị cơ chế áp dụng hộ chiếu vaccine với khách nhập cảnh.

Cụ thể, khách có hộ chiếu vaccine (đã được tiêm vaccine) và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 sẽ được nhập cảnh Việt Nam và giảm đến mức tối thiểu thời gian cách ly tập trung.

Theo kế hoạch được xây dựng trước đó, khi cơ chế "hộ chiếu vaccine" được áp dụng, thị trường triển khai sẽ là các quốc gia, vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch COVID-19 của cùng loại vaccine mà Việt Nam công bố. Tần suất ban đầu dự kiến là 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai hộ chiếu vaccine tại Việt Nam cũng như đòi hỏi cần có những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam: Kiến nghị triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine cho người nhập cảnh - Ảnh 1.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine cho người nhập cảnh. (Ảnh minh họa).

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, dữ liệu điện tử của “hộ chiếu vaccine” sẽ hạn chế việc làm giả giấy chứng nhận xét nghiệm như đã xảy ra tại một vài nước như Brazin, Bangladesh. Cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng tìm kiếm, truy xuất thông tin qua dạng QR code, đảm bảo an toàn thông tin cho hành khách.

“Việc tiêm vaccine có thể phòng chống dịch bệnh về lâu dài tuy nhiên để có thể khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ một cách nhanh chóng thì cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã có xét nghiệm âm tính”, đại diện Cục hàng không cho biết.

Một ưu điểm nữa của hộ chiếu vaccine là việc tạo lập một ứng dụng về sức khỏe cho phép các cá nhân lưu trữ hồ sơ sức khỏe của họ một cách an toàn và riêng tư trên điện thoại. Việc trích xuất dữ liệu qua dạng QR code khi cần cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền cũng là một biện pháp ưu việt nhằm giúp việcxác thực thông tin nhanh chóng cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho khách du lịch.

Đồng thời, nếu một hệ thống công nhận chung được hình thành giữa các quốc gia, việc di chuyển và tiến hành hoạt động đi lại của hành khách giữa các quốc gia sẽ trở nên cực kỳ thuận lợi và nhanh chóng cho hành khách cũng như cho cơ quan chức năng tại hai quốc gia mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Mặc dù vậy, Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ rõ: Vaccine ngừa Covid-19 không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ hoặc ngay lập tức. Hay nói cách khác, tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ hơn về hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm, cũng như thời gian có hiệu quả của từng loại vaccine khác nhau.

Quan trọng hơn, để hộ chiếu vaccine có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, cần có sự công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia, cũng như liên kết hệ thống. Để liên kết hệ thống đòi hỏi phải có sự thống nhất về ngôn ngữ, dữ liệu cũng như các quy định về bảo mật thông tin.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng “hộ chiếu vaccine” như Trung Quốc cấp dạng bản cứng và bản điện tử. Hộ chiếu này có thể quét QR thể hiện tên, số hộ chiếu, kết quả xét nghiệm, loại vaccine, bệnh viên đã tiêm. Hungary đã cấp “hộ chiếu vaccine”cho những người đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm hai mũi vaccine COVID-19. Israel áp dụng “hộ chiếu vaccine” Green pass từ 21/2. Những người được tiêm vaccine có thể tải một ứng dụng hiển thị "thẻ xanh" của họ khi được yêu cầu xuất trình. Ứng dụng cũng thể hiện thông tin bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19. Đảo Syprus đã cho phép người dân Anh tiêm vaccine hai lần được nhập cảnh vào từ ngày 1/5 mà không cần có xét nghiệm âm tính hay phải cách ly.

Khái niệm “hộ chiếu vaccine", hay một loạt các khái niệm khác liên quan như "digital green pass", “green pass" có thể được hiểu là ghi chép về dữ liệu sức khỏe cá nhân, bao gồm tài liệu, giấy tờ chứng minh đã tiêm vaccine hay đã có chứng nhận xét nghiệm âm tính, được xác thực trên nền tảng số. Việc trích xuất dữ liệu qua dạng QR code khi cần cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền cũng là một biện pháp ưu việt nhằm giúp việc xác thực thông tin nhanh chóng cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho khách du lịch.


P. Thủy
Ý kiến của bạn