Cục QLTT Hậu Giang: Tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Hậu Giang 6 tháng đầu năm ổn định. Các mặt hàng thiết yếu và nguồn cung đảm bảo, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả được kiểm soát tốt, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hậu Giang đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật; góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, từ đó đã phần nào thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Các Đội QLTT quản lý tốt địa bàn, nắm bắt diễn biến thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động và phối hợp với lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính.
Ban chỉ đạo 389, tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, kết quả kiểm tra kiểm tra 25 vụ phân bón; lấy 20 mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng, kết quả 15 mẫu đạt, 5 mẫu không đạt; xử lý 13 vụ vi phạm; tổng số tiền phạt VPHC trên 224 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 15/12/2023-14/06/2024), lực lượng QLTT đã kiểm tra: 182 vụ (72 vụ kiểm tra định kỳ; 110 vụ kiểm tra đột xuất); phát hiện 113 vụ vi phạm; xử lý 110 vụ; xử phạt và nộp ngân sách trên 1,1 tỷ đồng.
Đồng thời, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, đã kiểm tra 17 vụ (6 vụ đột xuất, 1 vụ định kỳ), xử lý 11 vụ vi phạm, tổng tiền phạt trên 155 triệu đồng, tổng trị giá hàng hóa bị tịch thu trên 17 triệu đồng.
Phát hiện xử lý 5 hành vi vi phạm về hàng giả, phạt tiền trên 114 triệu đồng; trị giá tang vật VPHC bị tịch thu trên 19 triệu đồng. Các đội QLTT cũng phát hiện, xử lý 70 hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền phạt trên 397 triệu đồng; trị giá tang vật VPHC bị tịch thu trên 764 triệu đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường việc kiểm tra mặt hàng vàng, qua đó, đã kiểm tra 7 vụ, xử lý 7 vụ vi phạm, tổng tiền phạt trên 138 triệu đồng, tịch thu 4 sản phẩm vàng có trị giá trên 8,7 triệu đồng.
Đồng thời, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu hằng ngày đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý.
Ngoài ra, lực lượng QLTT cũng tăng cường xử lý đối với một số công tác khác như cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Kết quả kiểm tra 24 vụ, xử lý 24 vụ, tổng tiền phạt trên 182 triệu đồng; tổng trị giá hàng hóa tịch thu trên 340 triệu đồng.
Triển khai thực hiện "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" và công tác hậu kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2024. Tổng số vụ kiểm tra 25 vụ, xử lý 12 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt trên 95 triệu đồng...
Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những thuận lợi và cơ hội nhất định, song vẫn còn khó khăn, thách thức; giá cả hàng hoá vẫn còn tiếp tục chịu tác động của thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng… Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 theo kế hoạch được phê duyệt; kiểm tra chuyên đề, đột xuất theo chỉ đạo và theo tình hình thực tế tại địa phương. Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Đồng thời, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP và các hành vi gian lận thương mại khác, đặc biệt là kiểm tra hàng hóa phục vụ nhu cầu cao của người dân từ nay đến cuối năm 2024, trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025;... Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính.
Văn Dương – Hồng ÂnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.