Cục Quản lý Dược: Xây dựng tốt dịch vụ công trực tuyến

Cải cách hành chính
03:44 PM 13/08/2020

Thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Cục Quản lý Dược đã có 15 dịch vụ công trực tuyến tham gia.

Việc hoàn thành, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Cục Quản lý Dược: giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch, tránh được sự phiền hà, nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ. Qua đó, đã đem lại hiệu quả kinh tế do cắt giảm được nhiều chi phí: chi phí đi lại, chi phí lưu trữ, bảo quản, chi phí văn phòng phẩm, chi phí nhân công...Đồng thời, việc quản lý, lưu trữ, bảo quản và truy xuất hồ sơ khi cần thiết tại Cục Quản lý Dược được thực hiện một cách thuận tiện.

Vào thời điểm tháng 8/2019, Cục Quản lý Dược đã tổ chức khai trương Ngân hàng dữ liệu ngành dược (drugbank.vn) với thông tin tra cứu của hơn 10.000 thuốc, với mục tiêu giúp người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin về thuốc, đáp ứng các tiêu chí: chính xác, đầy đủ.

Cho đến nay, ngân hàng dữ liệu ngành dược đã được cập nhật và cung cấp thông tin, dữ liệu của 15.226 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Với sự ra mắt của drugbank.vn, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã trở thành một trong số ít những cơ quan quản lý cấp quốc gia xây dựng hệ thống dữ liệu về thuốc và cung cấp công cụ tra cứu cho cộng đồng (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) của Mỹ, Bộ Y tế Canada, Tổ chức kiểm soát tiêu chuẩn thuốc trung ương (CDSCO) của Ấn Độ). Như vậy, với việc thực hiện Dự án Ngân hàng dữ liệu ngành Dược, Cục Quản lý Dược đã tạo ra một dấu ấn tiên phong trong việc số hóa dữ liệu thuốc và các dữ liệu liên quan không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.

Cục Quản lý Dược: Xây dựng tốt dịch vụ công trực tuyến - Ảnh 1.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu hành nghề và kinh doanh dược với thông tin về toàn bộ các cơ sở kinh doanh dược (340 cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, 4.079 cơ sở bán buôn, 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc) và 115.080 chứng chỉ hành nghề đã được cấp trên toàn quốc. Với cơ sở dữ liệu như trên, Cục Quản lý Dược đã quản lý được quy mô của hệ thống sản xuất, kinh doanh dược trên toàn quốc và có đầy đủ thông tin của các cơ sở nhập khẩu, đăng ký thuốc. Đánh giá được nhân lực ngành dược hiện tại.

Từ đầu năm 2020, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Cục Quản lý Dược đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm để các cơ sở sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc báo cáo liên tục việc xuất, nhập, tồn cũng như kế hoạch sản xuất, nhập khẩu các thuốc được khuyến nghị sử dụng trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 với 48 hoạt chất.

Bắt đầu từ tháng 01/2020, Cục Quản lý Dược đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống phần mềm khởi tạo mã định danh cho từng loại thuốc. Tới thời điểm này toàn bộ mã định danh đã hoàn thiện và trở thành khối dữ liệu cơ bản, nền tảng của Cục Quản lý Dược cũng như là khối dữ liệu dùng chung cho toàn ngành y tế trong quá trình chuyển đổi số.

Hiện có 23.500 thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực và trong số đó 100% là thuốc kê đơn đã được cấp mã định danh. Sự phối hợp đồng bộ các giải pháp từ nền tảng tới vận hành và quản trị, đồng thời các tiện ích, hệ thống luôn liên thông, hiểu và hỗ trợ lẫn nhau giúp cho cả guồng máy chuyển đổi số của Cục Quản lý Dược tiến những bước tiến vững chắc và chính xác.

Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực: xuất/nhập khẩu thuốc và công bố mỹ phẩm. Từ ngày 01/7/2019 đến nay, đã xử lý hồ sơ, thông quan điện tử 10.943 đơn hàng nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc,156.917 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý Dược sẽ tiếp tục phát triển phần mềm kết nối tới tất cả các nhà máy để quản lý và có số liệu báo cáo, thống kê của khoảng 700 hoạt chất dùng trong sản xuất thuốc tại Việt Nam.

Tâm Hiền
Ý kiến của bạn