Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa: Chủ động, linh hoạt trong công tác bình ổn giá
Năm 2023 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn thị trường. Do vậy, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa (QLTT) cần tiếp tục phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, chủ động, linh hoạt, đưa ra nhiều phương án cụ thể, phù hợp với diễn biến thị trường nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong năm.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, lạm phát ở một số nước mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng dự báo vẫn là một vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dự báo tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình trong nước chịu tác động từ việc áp lực tăng giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm sau khi điều chỉnh tăng lương cơ bản. Đặc biệt, áp lực lạm phát bình quân tăng ngay từ quý I năm 2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2022.
Bên cạnh việc, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao. Cục QLTT Thanh Hóa cũng đã ban hành và triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 371/CQLTT-NVTH ngày 20/3/2023 về việc tiếp tục triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn. Chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường triển khai kiểm tra, xử lý việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn được giao quản lý, đảm bảo toàn bộ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định.
Trên cơ sở đó, việc kiểm soát giá các mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Ông Lê Văn Nghị, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ngoài kiểm tra định kỳ, đội QLTT số 3 cũng tăng cường yêu cầu ký cam kết và lên kế hoạch kiểm tra đột xuất từng hộ kinh doanh. Nếu phát hiện hành vi mua bán gian lận, trái với quy định của pháp luật thì sẽ lập biên bản xử lý. Số điện thoại đường dây nóng được dán ở tất cả các điểm công cộng để khi bà con thấy có dấu hiệu vi phạm thì báo để anh em xuống kiểm tra".
Với việc triển khai kịp thời, hiệu quả, 5 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT Thanh Hóa đã kiểm tra 589 vụ, xử lý 523 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt là 1.586,1 triệu đồng. Trong tháng 4 có 02 lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 03/4/2023 và ngày 11/4/2023. Ngay sau thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu, Cục QLTT đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc đồng loạt giám sát việc điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu đúng thời điểm do thương nhân đầu mối quy định, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả các cửa hàng hoạt động bình thường, thực hiện giảm đúng giá, đúng thời điểm quy định.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh một người dân thành phố Thanh Hóa cho biết: Năm nay, qua theo dõi các nguồn tin trên VTV, tôi được biết nền kinh tế trong và ngoài nước đang còn những khó khăn, thách thức, kinh doanh đình đốn, công nhân thất nghiệp, đời sống bất ổn, dự báo lạm phát tăng cao, giá cả leo thang...Thế nhưng, từ đầu năm đến nay nhìn chung thị trường Thanh Hóa một số mặt hàng có tăng giá nhưng không đáng kể, một số giữ ở mức ổn định, thậm chí giảm giá để kích cầu tiêu dùng... khiến người dân chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm, tin tưởng vào sự điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn nên sức mua của người dân cũng kém so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Văn Hùng – Q. Cục trưởng cục QLTT Thanh Hóa chia sẻ: Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho ngành QLTT nói chung và Cục QLTT Thanh Hóa nói riêng ngày càng lớn. Từ việc quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Cục QLTT Thanh Hóa đã chủ động đề xuất các giải pháp và tập trung xây dựng, ban hành, phân công cụ thể trách nhiệm, tổ chức thực thi nghiêm túc, hiệu quả các quy chế, quy định ở các đơn vị trực thuộc. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Điều chỉnh các kịch bản điều hành giá sát với tình hình thực tế.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất các các loại hình; phối hợp với Sở Công thương tỉnh Thanh Hoá kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu cục bộ cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; lập biên bản và tiến hành xử lý ngay khi có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Ngày 12/5/2023, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty TNHH xây dựng và Thương mại An Toàn Thơm, về hành vi kinh doanh xăng dầu khi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực, truy thu số lợi bất hợp pháp 376.577 đồng.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng đã lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích phổ biến pháp luật đến hộ kinh doanh để nắm được các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, chấp hành chính sách pháp luật góp phần bình ổn giá cả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trong việc cung cấp thông tin chính xác, chính thống, phản ánh trung thực về tình hình giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý để kịp thời truyền tải đến người dân.
Xốc lại kỷ luật, kỷ cương chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành trong toàn lực lượng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của đội ngũ công chức, nhất là đội ngũ trực tiếp xử lý nghiệp vụ và tiếp xúc thường xuyên với người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong mỗi đơn vị. Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức QLTT với phương châm "rèn tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hóa". Nghiêm cấm các hành vi cố ý gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh; các hành vi bao che, tiếp tay, nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong các lực lượng chức năng. Chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường đồng thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc. Tiến tới xây dựng văn hóa người QLTT kỷ cương liêm chính, chí công vô tư.
Mặt khác, Cục QLTT Thanh Hóa luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ để xây dựng đội ngũ công chức thật sự có bản lĩnh, năng lực chuyên môn, liêm chính, trong sạch; Tăng cường trao đổi nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong, ngoài Cục trong triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của toàn lực lượng; tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với truyền thống tốt đẹp, với ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao và sự chủ động sáng tạo của tập thể cán bộ nhân viên. Cục QLTT Thanh Hóa sẽ luôn là đơn vị kiểu mẫu, sẵn sàng đảm đương và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, quyết tâm xây dựng đơn vị ngày càng lớn mạnh toàn diện, tiếp tục là lực lượng chủ công trong công tác bình ổn giá cả thị trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa: Ông Nguyễn Văn Hùng – Q. Cục trưởng cục QLTT Thanh Hóa nhấn mạnh.
Yến HoàngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.