Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa: Đảm bảo thị trường lành mạnh, ổn định

Địa phương
09:23 AM 01/07/2021

6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cục Quản lý thị trường (CQLTT) Thanh Hóa tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt công tác kiểm tra thị trường theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa: Đảm bảo thị trường lành mạnh, ổn định - Ảnh 1.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa chung sức, đồng lòng tất cả vì mục tiêu chiến thắng đại dịch Covid-19.

6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cục Quản lý thị trường (CQLTT) Thanh Hóa tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt công tác kiểm tra thị trường theo quy định của pháp luật. Cục đã tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh "Không buôn hàng lậu, không kinh doanh hàng nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và thực thi các quy định của pháp luật về giá", tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Công tác phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương được tiếp tục duy trì, góp phần tạo hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của toàn lực lượng…

Mặc dù còn nhiều khó khăn thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt là đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam đã tác động tiêu cực đến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giá cả các mặt hàng thiết yếu như sắt thép, xăng dầu, thiết bị y tế… tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu dùng của người dân. Song được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nên tình hình thị trường, giá cả các dịch vụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo. 

Đâu đó vẫn tiềm ẩn tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn âm ỉ xảy ra. Đáng chú ý, phương thức thủ đoạn gian lận thương mại của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, có những biểu hiện che giấu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, đó là: ứng dụng dịch vụ bán hàng online qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo… vận chuyển hàng trên ô tô chở khách, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, bắt giữ và xử lý.

Những kết quả đạt được

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa. Sự năng động, bám sát chỉ đạo của cấp trên, với việc phân tích, dự đoán, nắm bắt đúng tình hình, diễn biến thị trường, Cục QLTT tỉnh đã chủ động triển khai kịp thời nhiệm vụ được giao, đồng loạt ra quân, tăng cường công tác phối hợp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố; cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của nhân dân đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ nhìn vào một vài con số chúng ta đã thấy khối lượng công việc và hiệu quả thu được của Cục QLTT Thanh Hóa trong thời gian qua là không nhỏ.

Tổng số vụ kiểm tra: 1.328 vụ; tổng số vụ xử lý: 1.159 vụ; trong đó: xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu: 162 vụ; xử lý về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ: 96 vụ; xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm: 272 vụ. Xử lý vi phạm khác trong kinh doanh: 281 vụ. Tổng số tiền thu xử phạt vi phạm: 5.746,064 triệu đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục QLTT, Cục QLTT Thanh Hóa đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến…

Ngay từ những ngày cuối năm 2020, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra với số lượng 682 vụ, xử lý 645 vụ, phạt vi phạm hành chính 1.989,4 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 1.836,9 triệu đồng.

Điều đáng nói, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng đã lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật đến người kinh doanh, người dân để nắm được các quy định của pháp luật khi tham gia kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, chấp hành chính sách pháp luật góp phần bình ổn giá cả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Vì thế, nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại được nâng lên, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong sản xuất, kinh doanh đã hạn chế đáng kể.

Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa: Đảm bảo thị trường lành mạnh, ổn định - Ảnh 2.

Cục Quản lý thị trường Tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo thị trường lành mạnh, ổn định; với thông điệp "Người Quản lý thị trường nhiệt huyết", Cục QLTT đã tổ chức các hoạt động nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm, tình cảm đối với cộng đồng và xã hội; tinh thần đoàn kết, nhân văn, sự chia sẻ yêu thương của cộng đồng đối với người bệnh. Cụ thể, sáng 19/5/2021, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19; theo đó có 84 cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên thanh niên của Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa tham gia hiến máu tình nguyện.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Q. Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa chia sẻ thêm: "Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi xác định công tác kiểm tra chống hàng giả, hàng cấm, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, Cục QLTT đã bám sát kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên để thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, phối hợp kiểm soát trên địa bàn tỉnh. Các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, trinh sát, nắm chắc tình hình giá cả, biến động của thị trường, qua đó phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa hợp pháp lưu thông trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Thời gian tới Cục sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường mối quan hệ phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính trong tỉnh để thường xuyên trao đổi thông tin nhận biết kịp thời về việc gian lận trong sản xuất - kinh doanh. Đồng thời kêu gọi mọi người dân tích cực tham gia phát giác, tố cáo tội phạm sản xuất những mặt hàng không đạt chất lượng, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Song song với công tác chuyên môn, Cục sẽ tiếp tục phát triển ổn định tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên với việc mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn để thích ứng với việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ trí tuệ nhân tạo, gần nhất là Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục QLTT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ phòng chống dịch COVID-19 tỉnh. Với phương châm chủ động, tích cực, sáng tạo, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bệnh xâm nhập, bùng phát trở lại và lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế. Đó vừa là trăn trở vừa là quyết tâm của lực lượng QLTT tỉnh Thanh Hóa chúng tôi".

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.