Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa: Góp phần bình ổn thị trường trong đại dịch Covid-19
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 cam go này ngoài các lực lượng chức năng, thì đội quân QLTT Thanh Hóa cũng lấy tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nghĩa là chúng ta chính thức tuyên chiến với đội quân xâm lược lợi dụng dịch bệnh để thu gom những mặt hàng thiết yếu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để nâng giá để trục lợi và làm cho xã hội bị bất ổn.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa và Công an TP Thanh Hóa kiểm tra số khẩu trang không rõ nguồn gốc, bán giá cao
Chưa bao giờ những đội quân phục vụ cho việc cách ly, chống dịch Covid-19 lại vất vả và đồng lòng, với tâm thế của những người lính trong thời chiến như vậy. Một lần nữa, tổ quốc Việt Nam lại đối mặt với thử thách cam go, nguy hiểm, chịu những áp lực ghê gớm từ dịch bệnh. Trong trận dịch cam go này ngoài các lực lượng chức năng, thì đội quân QLTT Thanh Hóa cũng lấy tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nghĩa là chúng ta chính thức tuyên chiến với đội quân xâm lược lợi dụng dịch bệnh để gom những mặt hàng thiết yếu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để nâng giá bất thường hòng trục lợi, làm cho xã hội bị bất ổn. Với tinh thần chiến đấu “không một ai bị bỏ lại”, nghĩa là phải cứu bằng được tới người “bị thương” cuối cùng, nhiệm vụ ấy đối với “đội quân” QLTT Thanh Hóa nặng nề biết chừng nào!
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đột biến, thị trường mua bán hàng hóa các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay trên địa bàn tỉnh có biến động lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ cung cầu các mặt hàng vật tư y tế trên thị trường, nhất là các mặt hàng khẩu trang y tế. Do đó số người mua khẩu trang y tế để phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhiều, nhu cầu tăng cao nên đã có hiện tượng khan hiếm nguồn cung hàng hóa, một số nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thiết bị y tế có kinh doanh khẩu trang y tế đã hết hàng hoặc chỉ còn số lượng ít.
Bên cạnh đó, một số tổ chức cá nhân trên địa bàn phát động chương trình chung tay chống dịch Covid-19 như tặng khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng chống dịch bệnh. Đã có những tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa vi phạm các quy định về quản lý giá (không niêm yết và tăng giá bất hợp lý). Các hành vi vi phạm đã được các lực lượng chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Thanh Hóa cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 1/ CT- TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có biện pháp cách ly toàn xã hội trong 1 ngày, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung đến các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống để mua sắm hàng hóa thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống…, mức tiêu thụ tăng gấp 4- 5 lần, gây nên tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ.
Tất cả vì sự ổn định xã hội và an toàn tuyệt đối cho người dân, do có sự chuẩn bị từ trước, cùng với các chính sách điều tiết và bình ổn giá, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được ổn định. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Sở Y tế, Sở Công thương, Công an tỉnh…, và sự vào cuộc kịp thời của báo chí, truyền thông, vì vậy trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng, tăng giá bất hợp lý, hàng hóa, lương thực, thực phẩm cung ứng trên thị trường vẫn bảo đảm dồi dào. Phần lớn giá cả hàng hóa ổn định. Cá biệt có một số loại hàng hóa tăng giá nhẹ là những mặt hàng được vận chuyển từ các địa phương xa tới.
Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh về việc tăng cường phòng chống dịch Covid- 19. Cục QLTT Thanh Hóa - cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường, chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và các hành vi đầu cơ, găm hàng đẩy giá trục lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân trên địa bàn.
Để làm tốt công tác trên Cục QLTT đã giao nhiệm vụ cho các Đội QLTT trường trực thuộc được giao phụ trách địa bàn tăng cường công tác quản lý theo địa bàn được phân công phụ trách, rà soát các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, trong đó chú trọng mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ công tác , phòng chống dịch bệnh; giám sát việc cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, khẩu trang và các loại vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch và chữa bệnh để bình ổn thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời tiến hành ký cam kết niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; không găm hàng, đầu cơ tích trữ, tăng giá bất hợp lý, đưa tin thất thiệt nhằm trục lợi; hàng hóa phải có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng đúng theo quy định.
Kết quả chung từ ngày 01/02/ 2020 đến ngày 10/4/2020 đã xử lý 56 cơ sở vi phạm hành chính như: 40 hành vi không niêm yết giá; 05 hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý; 02 hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; ký cam kết 2.070 cơ sở kinh doanh mặt hàng là khẩu trang, nước sát trùng, găng tay y tế; các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược…, số lượng khẩu trang đã tịch thu: 6.750 cái. Số tiền xử phạt 1750 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng lưu ý: Dự báo trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, vì thế hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán sẽ còn bị ảnh hưởng rất nhiều do dịch bệnh. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa - Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trong tâm như sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/ CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11/ CT- UBND tỉnh về việc thực hiện cách ly toàn tỉnh không để dịch bệnh Covid-19 lây lan ra cộng đồng. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về công tác chống buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả; giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu và chấp hành pháp luật.
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 58/QĐ-QLTT ngày 02/02/2020 về việc thành lập Ban phòng chống dịch viên đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona; đồng thời các Đội QLTT thực hiện nghiêm Quyết định thành lập các tổ kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Các Đội QLTT tập trung giám sát hoạt động của các quầy thuốc, nhà thuốc, các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ…, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược…
Bên cạnh các giải pháp như trên, ông Cục trưởng cũng bày tỏ quan điểm: Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn về kinh doanh trong đại dịch Covid; đồng thời xem xét tiến hành biện pháp kiểm soát phù hợp đối với ngành hàng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thiết yếu, những đối tượng yếu thế để họ không “tái nghèo”.
Với sự chung tay gánh vác “chống dịch như chống giặc” như vậy, nhất định “giặc xâm lăng tàn độc” là virus Corona Virus chắc chắn sẽ bị đánh bại bởi những con người bình dị nhất.
Triều Nguyệt - Yến Hoàng
Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.