Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hậu Giang: “Người tiêu dùng cần biết tự bảo vệ mình khi mua hàng qua mạng”
Dịp Tết, ngành thương mại dịch vụ "sống" lại, nhất là thương mại điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, việc kinh doanh qua mạng điện tử còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo khách hàng, đặc biệt thời điểm cuối năm, mua sắm tăng cao cũng là lúc các kênh mua bán qua mạng tăng tốc "lên sóng".
Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bé Tư, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hậu Giang về quản lý thị trường Tết và những lưu ý cho người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng.
Phóng viên: Trong những ngày cuối năm, giáp Tết nhiều sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh (01/01/2004 - 01/01/2024), các hoạt động lễ hội diễn ra liên tục. Xin ông cho biết, việc quản lý trật tự thị trường trong năm và các tháng cuối năm 2023 có gì đặc biệt?
Ông Nguyễn Văn Bé Tư: Những tháng cuối năm với trọng điểm là dịp lễ, Tết và chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, Cục QLTT Hậu Giang chỉ đạo lực lượng tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng...
QLTT chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, thực phẩm tươi sống... bảo đảm bình ổn thị trường. Mặt khác, QLTT tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa và giá cả, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được diễn ra liên tục.
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT luôn chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay và cùng tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, mua bán, hàng cấm, hàng giả; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết "Không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng". Định kỳ hàng tuần khảo sát tình hình thị trường về cung cầu và giá các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ đó phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Phóng viên: Theo thông lệ, thị trường hàng hóa mùa Tết rất dồi dào, tăng gấp mấy lần so với ngày thường. Đó cũng là thời điểm các loại hàng hoá không đảm bảo chất lượng, hàng gian, hàng giả hoành hành. Kế hoạch kiểm tra thị trường cuối năm nay được triển khai ra sao? Việc phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành các cấp có gì nổi bật? Khó khăn, thuận lợi như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Bé Tư: Cục QLTT tỉnh Hậu Giang đã bám sát vào Kế hoạch của Tổng cục QLTT để xây dựng và ban hành Kế hoạch số 598/KH-QLTTHGI ngày 14/11/2023 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nhằm tập trung kiểm tra đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp trước, trong và sau Tết.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin trong kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là trong các đợt cao điểm triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường theo sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh. Nhờ đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời, góp phần duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh doanh thương mại.
Cục QLTT xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm hiện tại và trong thời gian tới là tích cực, chủ động hơn nữa trong phối hợp với các sở, ngành chức năng trên địa bàn để triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường đạt hiệu quả. Đẩy mạnh công tác phối hợp với lực lượng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông, y tế, Công Thương,... tổ chức kiểm tra đối với các mặt hàng trọng điểm, thiết yếu, đây cũng chính là giải pháp giúp giảm bớt đáng kể sự chồng chéo giữa các ngành chức năng trong công tác quản lý thị trường hiện nay.
Phóng viên: Hai vấn đề nổi cộm của thị trường hiện nay là tình trạng hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều và trào lưu bán hàng qua mạng (thương mại điện tử) đang nở rộ. Theo ông, việc kiểm soát hàng gian, hàng lậu hiện nay đã chặt chẽ chưa? Có khó khăn gì hay không? Riêng việc quản lý các điểm bán hàng qua mạng xã hội (Youtube, Tiktok, Facebook…) để bảo vệ người tiêu dùng và tránh thất thu thuế được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Bé Tư: Hậu Giang không có nhiều doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn, nên hầu hết hàng hóa kinh doanh trong địa bàn tỉnh đều từ các tỉnh, thành khác đưa về; do đó không tránh khỏi việc các đối tượng lợi dụng để trà trộn các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu để tiêu thụ tại địa bàn tỉnh, rất khó kiểm soát về chất lượng hàng hóa, phần nào gây khó khăn cho lực lượng trong công tác kiểm tra.
Vì vậy, Cục QLTT chỉ đạo các Đội QLTT phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa thực hiện các biện pháp nghiệp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng vi phạm tại các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và tại các kho bãi, điểm lưu trữ hàng hóa.
Đặc biệt, trước tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, việc sử dụng môi trường điện tử để kinh doanh đang phát triển mạnh thì thị trường sẽ xuất hiện các hành vi, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi năng lực thực thi pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ.
Mặt khác, quy định của pháp luật điều chỉnh còn chưa theo kịp sự phát triển của loại hình này. Một số doanh nghiệp/cá nhân đã lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử kinh doanh những sản phẩm không đảm bảo chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, rõ ràng hoặc không có hóa đơn/chứng từ... gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh, xử lý.
Hiện nay, hầu hết các trang mạng bán hàng trực tuyến đều thiết lập tự do, không cần đăng ký thông tin cá nhân, địa chỉ cụ thể, giá hàng hóa chào bán cũng không chính xác, chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo; việc giao dịch mua bán trên những diễn đàn, các mạng xã hội của các cá nhân hầu như ít được quản lý và kiểm soát chặt chẽ...Việc thiết lập, hủy bỏ các gian hàng lại quá dễ dàng, nhanh chóng khiến các cơ quan chức năng không kiểm soát nổi.
Nhiều người tiêu dùng hiện nay vẫn thiếu kiến thức và kinh nghiệm khi mua hàng qua mạng, dễ tin những hình ảnh đăng tải, lời quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn của các gian hàng này; do đó, hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xách tay… cũng theo đó được tiêu thụ dễ dàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, không bị kiểm soát, xử phạt của các cơ quan chức năng...
Để để phát hiện và xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong phương thức kinh doanh hiện đại này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Công an... trong việc quản lý việc đăng ký và bán hàng trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý đối với các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội này cần phải cần có thời gian để hoàn chỉnh các quy định cho phù hợp và chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi khi mua bán trực tuyến, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ những nguyên tắc sau: Chỉ mua hàng trên những trang website hợp pháp có đầy đủ thông tin; kiểm tra thông tin về người bán sản phẩm; kiểm tra độ uy tín của người bán trên môi trường trực tuyến; đọc kỹ các điều khoản quy định và chính sách bán hàng của website; lựa chọn phương thức thanh toán an toàn...
Ngoài ra, người tiêu dùng cần nhận thức được rằng việc mua hàng qua mạng hoàn toàn dựa vào lòng tin của người mua đối với người bán và không có cơ chế bảo đảm giao dịch nào, nên cần cẩn trọng, cảnh giác, chọn những nhà cung cấp, bán hàng có uy tín và thông tin rõ ràng, có thể thỏa thuận giá cả qua mạng và xem hàng thực tế trước khi trả tiền hoặc có thể yêu cầu nhận hàng mới trả tiền để tránh rủi ro.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông cuộc trao đổi này.
Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.