Cục trưởng Cục Trẻ em: Những người xâm hại, bạo lực trẻ nhiều nhất lại chính là các bậc cha mẹ

Xã hội
06:47 AM 07/01/2022

Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 thống kê mỗi ngày họ tiếp nhận hơn 1.400 cuộc gọi và tư vấn gần 100 ca.

Những ngày qua, chúng ta vô cùng đau lòng khi phải đọc những dòng thông tin về vụ việc em bé V.A 8 tuổi bị "dì ghẻ" và bố đẻ có những hành động bạo hành đến chết. Thương cảm số phận em, dư luận không ngừng lên tiếng về vụ việc này cũng như những vụ bạo hành trẻ em khác đang âm thầm diễn ra. 

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2020 có tới 2.000 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em đã hỗ trợ, can thiệp sâu cho 706 em, trong đó có 362 ca bạo lực. Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 cũng cho biết tiếp nhận hơn 1.400 cuộc gọi và tư vấn gần 100 ca mỗi ngày.

Tại buổi tọa đàm "Trẻ bị bạo hành - Ai chìa tay cứu" do VnExpress tổ chức vào ngày 6/1 vừa qua, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em đã thẳng thắn công khai một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận: đó là những người xâm hại, bạo lực trẻ nhiều nhất lại chính là các bậc cha mẹ hoặc người chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc, gần gũi với trẻ hàng ngày. Thực tế này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng gặp tình trạng như vậy. 

Cục trưởng Cục Trẻ em: Những người xâm hại, bạo lực trẻ nhiều nhất lại chính là các bậc cha mẹ - Ảnh 1.

Ông chia sẻ: "Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con mình tiến bộ, ngoan ngoãn, giỏi giang nhưng không nghĩ rằng để con mình có sự phát triển hài hoà thì bản thân cha mẹ cũng phải học cách làm cha mẹ. Chúng ta có thể sinh con ra nhưng không phải ai cũng biết cách làm cha mẹ. Trên trang mạng xã hội, nhiều ông bố bà mẹ sau khi tham gia các câu lạc bộ, lớp hoặc đọc sách làm cha mẹ thì nói vui với nhau rằng "Thượng đế cho chúng ta sản phẩm tuyệt vời là những đứa trẻ nhưng đa số cha mẹ lại không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng".

Đôi khi, một cách vô thức hay cố ý, chúng ta còn làm hỏng sản phẩm tuyệt vời mà Thượng đế trao tặng. Nhiều khi chúng ta cho rằng phải đánh roi, úp mặt vào tường bắt chép nhiều trang, quát mắng, làm đau trẻ thì trẻ mới thấu hiểu lời răn dạy của cha mẹ. Nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm."

Những năm qua, chúng ta phải ghi nhận nỗ lực của nhiều tổ chức, đoàn thể, phương tiện truyền thông, cá nhân khi họ ra sức quảng bá những kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ tích cực. Thông qua đó, các bậc phụ huynh được tiếp cận những phương pháp khác gọi là "kỷ luật tích cực" hay "kỷ luật không nước mắt". 

Ông Đặng Hoa Nam chỉ ra 2 nguyên tắc rất quan trọng dành cho bố mẹ trong phương pháp giáo dục con cái này: 

1. Phải kiên trì dành thời gian cho con em. 

2. Phải nắm chắc cả lý thuyết và thực hành của phương pháp giáo dục.

Cục trưởng Cục Trẻ em: Những người xâm hại, bạo lực trẻ nhiều nhất lại chính là các bậc cha mẹ - Ảnh 2.

Nghị định 130/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định tất cả những hành vi tổn hại cho trẻ như đe dọa, xúc phạm, trừng phạt, cô lập, xua đuổi... đều bị xử lý về mặt hành chính. Mức xử lý khá nặng từ 10-20 triệu đồng, ngoài ra còn thực hiện những biện pháp bổ sung khác.

"Các cơ quan truyền thông giờ đây cũng là công cụ để truyền thông nhiều hơn về pháp luật và kỹ năng làm cha mẹ. Chúng ta cũng ham học hỏi, đọc nhiều, đi theo nhiều trường phái giáo dục con nhưng thực hành ra sao mới quan trọng bởi mỗi đứa trẻ là một thực thể sinh động, chúng ta phải gần gũi con em hàng ngày mới hiểu nó được. Giữa cha mẹ với con cái phải có sự tôn trọng, bình đẳng. Cha mẹ làm bạn với con thì mới đồng hành được với con và tránh được cách giáo dục con bằng biện pháp trừng phạt, bạo lực, xâm hại", ông bày tỏ quan điểm.

Lân Lan
Ý kiến của bạn