Cung ứng điện miền Nam sẽ được đảm bảo trong năm 2024

Địa phương
08:46 PM 13/03/2024

Việc đảm bảo độ tin cậy, sẵn sàng và đồng bộ trong khâu quản lý, vận hành lưới truyền tải và phân phối điện để cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và đời sống nhân dân là mục tiêu của Tổng công ty điện lực miền Nam cũng như Tổng công ty điện lực TP. HCM.

Tại hội nghị giao ban báo chí TW tại TP. HCM ngày 13/3/2014, ông Bùi Quốc Hoan - Phó TGĐ Tổng công ty điện lực miền Nam và ông Bùi Trung Kiên - Phó TGĐ Tổng công ty điện lực TP. HCM đã đến tham dự và có báo cáo công tác đảm bảo cung cấp điện và công tác an toàn và tiết kiệm điện năm 2024.

Nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ điện mùa khô và cả năm 2024

Theo đó, dự báo khí tượng thủy văn quốc gia năm 2024 có khả năng xảy ra khô hạn kéo dài tại khu vực Nam bộ. Đứng trước tình hình đó, việc đảm bảo độ tin cậy, sẵn sàng và đồng bộ trong khâu quản lý, vận hành lưới truyền tải và phân phối điện để cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM và đời sống nhân dân thành phố, đặc biệt là mùa khô 2024 là mục tiêu của Tổng công ty điện lực miền Nam cũng như Tổng công ty điện lực TP. HCM.

Trước dự báo đó, ngay từ các tháng cuối năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai hàng loạt các giải pháp để vận hành tối ưu các nguồn điện; củng cố, đầu tư, phát triển hệ thống nguồn, lưới điện; đặc biệt quyết liệt triển khai tập trung mọi nguồn lực thi công liên tục 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên Tết đối với Dự án ĐD 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đi Phố Nối, với mục tiêu phấn đấu đảm bảo tiến độ hoàn thành theo kế hoạch đề ra nhằm đáp ứng truyền tải nguồn giữa các miền; đồng thời chủ động trao đổi, làm việc với PVN/PVGas, TKV, TCT Đông bắc, chủ sở hữu các nguồn điện BOT, IPP trong cung ứng nhiên liệu và đảm bảo vận hành chuẩn bị việc cung ứng điện mùa khô và cả năm 2024.

Với dự báo tăng trưởng điện năm nay, toàn EVNSPC có khả năng lên đến mức khoảng 7%, cao hơn mức dự báo đầu năm, tuy nhiên vẫn nằm trong các phương án cung ứng điện năm 2024 được EVN, trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia lập và được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm. Do đó, trừ các trường hợp cực đoan hoặc sự cố xếp chồng thì với các giải pháp quyết liệt của EVN, EVNSPC có thể nói việc cung ứng điện cho 21 tỉnh miền Nam sẽ được đảm bảo.

Cung ứng điện miền Nam sẽ được đảm bảo trong năm 2024- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp giao ban báo chí

Đồng thời với các giải pháp cung ứng điện ở quy mô cấp quốc gia đang được triển khai, nhằm đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện ở quy mô cấp quốc gia đang được triển khai, nhằm đảm bảo nhiệm vụ cung cấp điện, vận hành ổn định, an toàn hệ thống lưới điện Quốc gia và khu vực trong năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Nam cùng các đơn vị thành viên tại 21 tỉnh thành đã và đang triển khai hàng loạt phương án vận hành tối ưu hệ thống lưới điện, quyết liệt các giải pháp vận động, tuyên truyền tiết kiệm điện.

Quyết liệt các giải pháp vận động, tuyên truyền tiết kiệm điện

Thực hiện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 6012/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của Ủy ban nhân dân TPHCM về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025, EVNHCMC tập trung triển khai vận động hiệu quả theo từng nhóm đối tượng khách hàng.

Đối với tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở (HCSN): Phối hợp với UBND Quận/Huyện, TP Thủ Đức kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm; Tổ chức ký biên bản thoả thuận tiết giảm/dịch tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTG ngày 08/6/2023; Tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà có lưu trữ (sau khi có chính sách của Chính phủ).

Thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời: Làm việc với các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 - 2025 cho các hoạt động chiếu sáng trên; Làm việc với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư tắt hoặc giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện theo yêu cầu của công ty điện lực tại địa phương; tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của công ty điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

Thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình: Khuyến khích các hộ gia đình sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện; Tuyên truyền các giải pháp thực hiện hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên); ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế tối đa việc sử dụng bóng đèn sợi đốt; Khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.

Thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ: Tổ chức làm việc, phổ biến tiết kiệm điện hàng năm, vào các tháng đầu mùa khô, đề nghị khách hàng thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện thường xuyên. Khi có thay đổi, cải tạo hệ thống điện thì sử dụng thiết bị điện có hiệu suất năng lượng cao; Tổ chức ký biên bản thoả thuận tiết giảm/dịch chuyển giờ sử dụng, sẵn sàng dùng máy phát vào mùa cao điểm, nắng nóng hoặc khi có yêu cầu từ hệ thống.

Thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất: Làm việc với tất cả các khách hàng sử dụng điện lớn, các Ban Quản lý khu, cụm điểm công nghiệp trên địa bàn cam kết tiết kiệm điện (tối thiểu 2% sản lượng điện tiêu thụ/năm), điều hòa phụ tải, giãn kế hoạch sản xuất, dịch chuyển ngày làm việc, dịch chuyển ca sản xuất, giảm công suất giờ cao điểm; Ký kết các thỏa thuận với các khách hàng: Tiết giảm công suất vào các tháng cao điểm khi hệ thống khó khăn trong cung ứng điện và theo thông báo của đơn vị Điện lực; Tham gia các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện (DR) khi có thông báo từ đơn vị Điện lực; Tuyên truyền để khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà (sau khi có chính sách của Chính phủ).

Lê Hải - Hạ Duyên
Ý kiến của bạn
Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.