"Cuộc chiến" CASA tăng nhiệt, Vietcombank cũng đua miễn phí dịch vụ
Sự "nổi dậy" của các ngân hàng tư nhân đang phần nào gây áp lực đến thị phần tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank và MBBank...
Trong những năm trở lại đây, chỉ số CASA (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn) trở thành một trong những chỉ số quan trọng khi phân tích kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Tiền gửi không kỳ hạn là tiền gửi có lãi suất rất thấp, có khi chỉ 0,1%/năm. Tỷ lệ CASA của ngân hàng càng lớn có nghĩa chi phí vốn càng thấp, và CASA càng tăng thì ngân hàng càng có điều kiện để cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Mặt khác, CASA còn phản ánh niềm tin và đánh giá của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Bởi vậy, tăng CASA càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến lược ngân hàng bán lẻ và trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của nhiều nhà băng trong vài năm trở lại đây. Cạnh tranh giữa các ngân hàng do đó cũng ngày càng gay gắt.
Từ năm 2018 trở về trước, Vietcombank và MBBank là 2 ngân hàng có tỷ trọng CASA lớn nhất hệ thống, với lợi thế vốn rẻ cách biệt rõ rệt với các nhà băng khác. Trong khi Vietcombank có lợi thế trong các giao dịch của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì khi MB có lợi thế gần như tuyệt đối với các giao dịch, chi tiêu của cơ quan, doanh nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, Techcombank đã vươn lên dẫn đầu và ngày càng bỏ xa 2 nhà băng trên.
Theo báo cáo tài chính của Techcombank, tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này trong năm 2020 đã tăng tới 60,6% lên 128 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ CASA cuối năm 2020 đạt 46,1%, tăng mạnh so mức 34,5% cuối năm 2019 và cũng cao hơn Vietcombank (khoảng 33%) và MB (khoảng 37%). Tham vọng của Techcombank chưa dừng lại khi nhà băng này đặt mục tiêu nâng CASA lên 55% vào năm 2025 - một tỷ lệ đáng kinh ngạc khi hình dung hơn một nửa tiền gửi khách hàng là tiền gửi thanh toán với lãi suất gần như bằng 0.
Bên cạnh Techcombank, nhiều ngân hàng khác cũng có tăng trưởng CASA ấn tượng trong năm vừa qua như TPBank, VIB, VPBank,…Tại VPBank, tiền gửi không kỳ hạn tăng 28% lên hơn 35.400 tỷ đồng; tỷ lệ CASA được cải thiện từ 13,2% lên 15,6%. Tiền gửi không kỳ hạn của TPBank tăng 48% trong năm qua, lên hơn 21.200 tỷ đồng; tỷ lệ CASA tăng mạnh từ 16,5% lên 19,4%.
Để cải thiện CASA, các nhà băng có nhiều chính sách khác nhau, trong đó trọng tâm là miễn phí chuyển tiền và đầu tư số hoá để thu hút khách hàng gửi tiền thanh toán tại ngân hàng.
Techcombank có thể xem là ngân hàng tư nhân đầu tiên mở đầu cho làn sóng này khi tập trung xây dựng các lợi thế về thanh toán với mục tiêu trở thành ngân hàng giao dịch chính. Từ năm 2016, nhà băng này đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng như miễn phí các giao dịch trên ngân hàng điện tử, miễn phí quản lý tài khoản,…
Sau đó, nhiều ngân hàng khác cũng đã tham gia vào cuộc đua miễn phí dịch vụ với các mức độ khác nhau và chủ yếu tập trung ở những ngân hàng tư nhân. Năm 2018, VIB có chính sách miễn phí chuyển tiền, rút tiền cho khách hàng mới hoặc tài khoản thanh toán có số dư bình quân đạt tối thiểu 5 triệu đồng. Năm 2019, TPBank mạnh tay miễn phí cho tất cả khách hàng của ngân hàng này khi chuyển tiền online qua TPBank eBank,…
Sự "nổi dậy" của những ngân hàng trên đang phần nào gây áp lực đến thị phần vốn rẻ của Vietcombank và MBBank. Theo đó, 2 nhà băng cũng đã có phản ứng đầu tiên để không bị lấn át trong cuộc chiến CASA.
Vietcombank mới đây đã công bố các gói tài khoản giao dịch tích hợp các dịch vụ tài khoản, ngân hàng số và thẻ ghi nợ, giúp khách hàng chuyển tiền miễn phí trên VCB Digibank. Khác với cách miễn phí hầu hết các loại tài khoản như ngân hàng khác, Vietcombank đưa ra 4 gói tài khoản với các chính sách miễn phí giao dịch trực tuyến khác nhau.
Chẳng hạn, với gói VCB - Eco người dùng duy trì số dư không kỳ hạn bình quân hàng tháng từ 2 triệu đồng trở lên sẽ được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống. Gói VCB_Plus, người dùng duy trì số dư không kỳ hạn bình quân hàng tháng từ 4 triệu trở lên sẽ được miễn phí chuyển tiền cả trong và ngoại hệ thống.
Có thể thấy, chính sách này nhắm trực tiếp đến số dư tiền gửi thanh toán của khách hàng - với kỳ vọng sẽ góp phần tăng tỷ lệ CASA của Vietcombank.
Còn tại MB, bên cạnh việc triển khai hàng loạt sản phẩm số, nhà băng này đã triển khai rầm rộ mở tài khoản số đẹp theo yêu cầu của khách hàng trong năm vừa qua. Năm 2020, ngân hàng cũng miễn phí dịch vụ chuyển tiền trên ứng dụng APP MBBank. Và kết quả thấy rõ, CASA của MB cũng đã cải thiện đáng kể từ 34% năm 2019 lên 37% trong năm 2020.
Tăng CASA là mục tiêu hàng đầu, song theo đuổi CASA không phải là điều dễ dàng. Bởi để đánh đổi lấy tỷ lệ CASA thì trước mắt các ngân hàng sẽ phải hi sinh một phần thu nhập phí dịch vụ của mình. Các chính sách miễn phí cũng làm hạn chế tăng trưởng thu nhập từ hoạt động thanh toán và chính sách hoàn tiền cũng khiến chi phí thanh toán tăng nhanh hơn. Lợi ích thu được từ CASA chủ yếu sẽ là gián tiếp trong dài hạn, như mở rộng thu hút khách hàng và tăng cường sự gắn bó với ngân hàng.
Thu ThuỷGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.