Cuộc chiến chống covid-19: Đừng để những nỗ lực… thành bất lực!

Sức khỏe
04:46 PM 01/07/2021

Dịch bệnh covid-19 đã và đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Những con số thống kê trên toàn thế giới khiến chúng ta không thể thờ ơ. Những thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh trên toàn cầu, từ nước Anh đến Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.... hàng ngày reo rắc nỗi kinh hoàng bắt buộc chúng ta không thể chủ quan.

Đây là lần thứ 4, đất nước chúng ta đối diện với đại dịch covid-19. Mỗi lần là mỗi kịch bản khác nhau, với những diễn biến khác nhau, không ai có thể đoán biết trước được. Chỉ có một cái chung: Đó là sự nỗ lực, hy sinh đầy quả cảm của những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Họ là những chiến sĩ áo trắng, áo xanh, và nhiều màu áo của những tinh thần tình nguyện luôn xông pha, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn… Nhờ có những con người như vậy, mà cho đến lúc này, chúng ta vẫn được bình yên xem tivi mỗi ngày, chúng ta vẫn cùng gia đình ăn từng bữa cơm sum họp ấm áp.

Cuộc chiến covid-19 lần thứ 4 này, phức tạp hơn 3 cuộc chiến trước. Số ca dương tính đã tăng lên mỗi ngày. Nhưng cơ cở vật chất, lực lượng y tế của chúng ta thì vẫn thế. Vì vậy mà sự vất vả của đội ngũ ngành y cũng nặng nề hơn nhiều, gian nan hơn nhiều và áp lực hơn nhiều. Những chiến sĩ áo trắng luôn phải làm hết 200% công suất, trong thời tiết nóng nực. Không ít người đã đổ gục vì kiệt sức. Nhưng không ai bỏ cuộc!

Cuộc chiến chống covid-19: Đừng để những nỗ lực … thành bất lực! - Ảnh 1.

Lực lượng y tế nỗ lực làm việc xuyên đêm để có những kết quả xét nghiệm nhanh nhất

Hãy nghĩ đến sự vất vả của những người đang ở tuyến đầu, để chúng ta nghiêm túc hơn, thậm chí là tự nghiêm khắc hơn nhắc nhở mình, nhắc nhở mọi người trong công tác phòng chống dịch. Chúng ta chỉ có đeo cái khẩu trang, ngồi điều hòa, mà chúng ta đã thấy bí bách, nóng nực, khó thở. Nhưng những người trên tuyến đầu, họ không chỉ đeo khẩu trang 24/24, mà còn mặc trên người cả bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu xuống chân, dưới thời tiết nắng nóng của mùa hè. Họ chỉ có thể nhận biết nhau bằng dòng chữ viết tên hay số hiệu của mỗi người sau lưng áo bảo hộ. Vậy mà họ đâu có kêu ca. Cớ làm sao, chúng ta lại có thể mỗi cái khẩu trang mà không chịu đựng được...(?)

Chúng ta mỗi người một công việc. Tôi không phải là bác sĩ cũng không phải quân nhân. Bạn không phải là bác sĩ cũng không phải quân nhân, không thể mang sự nhiệt huyết của mình để trực tiếp cứu người, trực tiếp vào tâm dịch. Nhưng, bằng những việc đơn giản nhất: mang khẩu trang, không tụ tập, khai báo y tế đầy đủ, cũng là một cách để cứu mình và cứu người. Chúng ta, mỗi người một công việc, mỗi người ở vị trí của mình, hãy cùng thực hiện từ những việc nhỏ nhất, để cùng đẩy lùi dịch bệnh. Tại sao không thể? Mỗi người nâng cao ý thức trách nhiệm là đã giảm thiểu áp lực và vất vả cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Điều này không khó!

Cuộc chiến chống covid-19: Đừng để những nỗ lực … thành bất lực! - Ảnh 2.

Thành phố Vinh (Nghệ An) đang thực hiện Chỉ thị 16. Nhưng rất nhiều người vẫn tập trung đi xe đạp thể dục và đã bị lực lượng chống dịch phường Hà Huy Tập tạm giữ xe, đưa về phường xử phạt

Mỗi ngày chúng ta đều muốn được về nhà, ở bên gia đình. Sao không hiểu, có những người có thể cả tháng nay còn chưa được nhìn mặt vợ, nhìn mặt chồng, nhìn mặt con. Tại sao chúng ta, chỉ là tạm thời ngưng tụ tập ăn uống, ngưng gặp gỡ, vui chơi và chấp hành những chỉ thị của Chính phủ để chống dịch nhanh và tốt hơn, sao lại không làm được (?)

Từ châu Âu đến châu Á, mỗi ngày chúng ta đều cập nhật thông tin, và mỗi thông tin đều là nỗi ám ảnh kinh hoàng vì covid-19. Y học của nước họ phát triển hơn nước mình, mà họ không thể chống đỡ được. Đất nước chúng ta, từ lâu nay vẫn là tinh thần đoàn kết, tinh thần chiến đấu là kim chỉ nam  để phát triển, để chiến thắng mọi kẻ thù. Và dịch bệnh cũng là một kẻ thù mà chúng ta cần đoàn kết, đồng tâm hiệp sức để chiến đấu. Nếu ví những người tuyến đầu là tiền tuyến, thì chúng ta là hậu phương.  Từ xưa đến nay, trong mọi cuộc chiến, chúng ta chiến thắng, đều là nhờ vào sự quả cảm, quyết liệt, đồng lòng  giữa tiền tuyến và hậu phương!  Tinh thần này, chúng ta hãy một lần nữa phát huy. Đừng để những nỗ lực của tiền tuyến thành bất lực vì sự vô trách nhiệm của hậu phương!

Trên tiền tuyến đầu chống dịch, những tấm lưng cháy da, những giấc ngủ vội vã, những gương mặt mồ hôi nhễ nhại, những cơ thể kiệt sức nằm bất động, những gò má cháy đen vì nắng nóng, … Họ làm vậy là để làm gì? Là vì để cho hậu phương chúng ta vẫn được làm việc mỗi ngày và được về nhà ăn cơm mỗi bữa!

Cuộc chiến chống covid-19: Đừng để những nỗ lực … thành bất lực! - Ảnh 3.

Lực lượng công an tỉnh Nghệ An được tăng cường trên toàn tỉnh để kiểm soát ra vào khu vực vùng có dịch

Cuộc chiến chống covid-19 vẫn chưa dừng lại! Nhân dân cả nước đoàn kết chống dịch. Lực lượng y tế, công an, quân nhân, tình nguyện viên vẫn luôn hướng về tâm dịch và sẵn sàng xung kích, chia lửa với đồng đội.

Mới đây, Sở Y tế Nghệ An đã đưa lực lượng y tế tỉnh nhà xung kích, tình nguyện "chia lửa" cùng  tỉnh Hà Tĩnh. Ngay sau đó, trường Đại học Y Vinh, các bệnh viện trên toàn tỉnh Nghệ An đều đã nhanh chóng kích hoạt xuất quân triển khai xét nghiệm, truy vết xuyên đêm để có kết quả nhanh nhất.

Cuộc chiến chống covid-19: Đừng để những nỗ lực … thành bất lực! - Ảnh 4.

Những giây phút nghỉ ngơi của bác sỹ lấy mẫu xét nghiệm thức xuyên đêm đến sáng

Tại tỉnh Nghệ An, tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp và khó lường. Đặc biệt mới đây, Nghệ An xuất hiện ổ dịch chợ đầu mối đang gây khó khăn cho công tác phòng dịch. Vì vậy, Viện dịch tễ Trung ương đã cử đoàn công tác do Tiến sĩ Phạm Quang Thái làm Trưởng đoàn vào Nghệ An để nghiên cứu, hỗ trợ truy vết, điều tra dịch tế và tìm các nguồn lây để có các giải pháp phù hợp kìm chế tốc độ lây lan dịch bệnh.

Chiều 29/6/2021, đồng chí Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn. Tham dự còn có PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, đồng chí Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh, cùng các lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm CDC và Tổ chuyên gia hỗ trợ truy vết của tỉnh. Qua phân tích ở Nghệ An mới phát hiện những bệnh nhân có triệu chứng. Vì vậy có thể đang còn F0 đang "lơ lửng" ngoài cộng đồng, những chưa phát hiện được. Chính vì vậy, cần tiếp tục phân tích đưa ra nhận định về các nguồn lây, tốc độ lây lan và xác định ổ dịch đáng quan tâm đó là Chợ đầu mối Tp Vinh.

Để tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời nhằm kìm chế tốc độ lây lan dịch bệnh, đồng chí Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, kết luận và giao nhiệm vụ: Trong ngày 30/6, triển khai đợt truy vết trên diện rộng toàn tỉnh những người liên quan đến chợ đầu mối, trong đó, trọng tâm là thành phố Vinh. Giao cho trưởng công an các xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo tổ COVID cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà", để thống kê các đối tượng có liên quan đến chợ đầu mối hoặc những ai có các triệu chứng ho, sốt..để đưa ra phương án xử lý phù hợp. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh giao cho BCĐ công tác phòng chống dịch và Công an Thành phố Vinh làm việc với Ban quản lý chợ và các tiểu thương để thống kê những người liên quan đến chợ đầu mối để có giải pháp kịp thời. Các địa phương triển khai truy vết phải xong vào ngày 1/7/2021.

Tính đến sáng ngày 30/6/2021 tại tỉnh Nghệ An đã phát hiện 102 ca dương tính với SARS - CoV-2. Và sau khi triển khai truy vết trên diện rộng toàn tỉnh những người liên quan đến ổ dịch Chợ đầu mối Tp. Vinh đã có kết quả: Tổng số người buôn bán, đến và trở về từ chợ đầu mối từ ngày 1/6 đến đến 20h00 ngày 30/6 có 6.234 trường hợp. Trong số đó đã lấy mẫu xét nghiệm là 6.228 trường hợp, 6 trường hợp còn lại đang tiến hành lấy mẫu. Số mẫu đã có kết quả là 6.204, trong đó có 6.190 mẫu âm tính, 14 mẫu dương tính, số mẫu còn lại đang chờ kết quả. Trong số 102 ca bệnh COVID-19 ở Nghệ An, có 33 ca liên quan Chợ đầu mối Tp. Vinh, cụ thể có 14 trường hợp buôn bán trực tiếp tại chợ đầu mối, 15 F1 liên quan chợ đầu mối trở thành F0 và 4 F2 liên quan chợ đầu mối trở thành F0.

Cuộc chiến chống covid-19: Đừng để những nỗ lực … thành bất lực! - Ảnh 5.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, PGS-TS Dương Đình Chỉnh đã hơn 10 ngày liên tục chưa về nhà. Có những đêm họp xong đã quá nửa đêm, nhưng Giám đốc Sở vẫn trực tiếp đi xuống hiện trường để chỉ đạo công tác lấy mẫu xét nghiệm, truy vết dịch…

Những người đứng đầu đất nước chủ trương trên toàn quốc thực hiện phương châm vừa ra sức chiến đấu với dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất cho nhân dân. Có nơi đâu như Tổ quốc mình! Giữa vòng vây dịch bệnh, các cấp ngành vẫn luôn tính trước, lo sau để bảo toàn cả về sức khỏe, cả về sinh kế cho toàn dân. Có nơi đâu như Đất nước ta! Luôn có những con người vì cộng đồng, vì cuộc sống của những con người lao động bình dị mà sẵn sàng xông pha lên tuyến đầu chống dịch bệnh. Tri ân họ, chúng ta không chỉ nói lời cảm ơn, mà hãy bằng hành động cụ thể. Hãy nghiêm khắc với chính mình và cùng đồng lòng thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, để sớm đến ngày, chúng ta ai cũng được về nhà, ai cũng được mạnh khỏe. 

Thái Quảng - Lê Dung
Ý kiến của bạn
Tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho thị trường tín chỉ carbon Việt Nam Tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho thị trường tín chỉ carbon Việt Nam

Thị trường tín chỉ carbon là công cụ giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng thị trường này tại Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ.