Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19: Bảo vệ những người đầu chiến tuyến

Sức khỏe
03:26 PM 22/02/2021

Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 đang bước vào giai đoạn mới đầy cam go và thử thách. Trong khi cả nước đang cùng chung tay, chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh thì những bác sĩ, y tá, cán bộ ngành y cũng căng mình nơi những tuyến đầu chống dịch. Và thực tế thì họ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch bệnh.

Những chiến sĩ bluse trắng

Nhiều ngày nay, bác sĩ Trần Thái Dương, khoa xét nghiệm (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình) không có ngày nghỉ và cũng không thường xuyên về nhà, có về cũng chỉ đáo qua để lấy thêm quần áo, các đồ dùng cần thiết, hỏi han tình hình gia đình rồi lại đi. 

Bởi trong khoảng 3 tuần nay, dồn dập có hàng nghìn người cần phải thực hiện lấy mẫu dịch để gửi đi xét nghiệm, phân loại xác định có nhiễm Covid-19 hay không? Công việc cứ cuốn đi, dù mệt nhưng anh vẫn cố gắng, vì bản thân, vì gia đình và vì cả cộng đồng.

photo-1613974500060

Các cán bộ y tế tranh thủ ngả lưng ngay tại chỗ. Ảnh Thái Bình

"Đặc thù ngành y tế là dự phòng rộng và phức tạp, đảm nhiệm mảng phòng chống dịch cho cả cộng đồng. Từ đầu mùa dịch cho đến nay, các cán bộ ngành y chúng tôi vẫn căng mình thực hiện công tác giám sát và phòng chống dịch. Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, nhân viên của Trung tâm cũng lập tức đến để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch. Triển khai các biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lấy nhiễm ra cộng đồng", anh Dương chia sẻ.

Cũng theo anh Dương, khó có thể kể hết những gian khổ của những cán bộ làm công tác dự phòng. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên ở các ổ dịch nguy hiểm, nhiều khi còn bị xa lánh vì lo ngại lây nhiễm bệnh.

Anh tâm sự: "Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình và người thân của mình, tuy nhiên nhờ được huấn luyện kỹ càng, chúng tôi động viên nhau vượt qua tất cả".

Không chỉ bác sĩ Dương, với bác sĩ, điều dưỡng Đỗ Thị Thanh Thủy (Khoa truyền nhiễm, Bệnh biện Đa khoa tỉnh Ninh Bình) thì sự khó khăn, vất vả và những nỗi lo nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực.

Chị cho biết: Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi cũng có những nỗi lo lắng, tâm tư, dù đã được tập huấn, nắm bắt đầy đủ quy trình chuyên môn. Chúng tôi được phân công làm các ca trực, mỗi ca liên tục 6h đồng hồ, mặc những bộ quần áo nặng trịch, kín mít, cơ thể lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Điều làm khó cho chị em chúng tôi là trong ca trực không được uống nước hay đi vệ sinh, sau ca trực khuôn mặt ai cũng hằn lên vết đeo khẩu trang, chân tay mỏi rã rời. Nhưng nghề nghiệp đã chọn thì vẫn gắng sức để hoàn thành nhiệm vụ.

Bảo vệ người tuyến đầu chống dịch

Những ngày nay, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp trong nước và trên thế giới, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng chống dịch. Họ lăn xả vào vùng dịch, tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm bệnh, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, bên cạnh sự nguy hiểm, nguy cơ cao lây nhiễm bệnh, họ còn phải tự cách ly nơi công tác, xa gia đình và vượt lên nỗi nhớ người thân, bạn bè.

photo-1613974518126

Nguy cơ lây nhiễm của cán bộ, nhân viên y tế là rất cao

Ngay từ khi xuất hiện dịch, việc chống lây nhiễm cho cán bộ, nhân viên y tế đã được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu và trong giai đoạn hiện nay, cần phải có nhiều biện pháp bảo vệ nhân viên y tế hơn nữa và đặt nó ở mức cao hơn trước. Bởi họ chính là những chiến sĩ bluse trắng nơi đầu tuyến chống dịch.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế): Nguy cơ lây nhiễm dịch trong bệnh viện và nhân viên y tế là rất cao, bởi sàng lọc tại bệnh viện là một trong những nguồn có khả năng phát hiện người bệnh. Nếu tiếp xúc, thăm khám không đảm bảo thì nguy cơ nhân viên y tế lây nhiễm bệnh rất dễ thành hiện thực. Do vậy các bệnh viện, cơ sở y tế cần tăng cường biện pháp phòng tránh và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Dựa trên tình hình thực tế hiện nay, người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh cần nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch, tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng. Thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn chuyên môn về rà soát, đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, cách ly, chuyển tuyến người nghi nhiễm Covid-19…

"Đặc biệt cần bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Yêu cầu nhân viên y tế thường xuyên sử dụng đủ trang phục bảo hộ (găng tay, mũ, khẩu trang, kính…) trong toàn bộ thời gian làm việc ở bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân. Mặt khác giải pháp chống nhiễm khuẩn cũng phải được các bệnh viện đặc biệt quan tâm, vì người bệnh Covid-19 không chỉ tập trung ở các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mà hoàn toàn có thể gặp ở một cơ sở y tế tuyến quận, huyện. Do đó, các bệnh viện cần có một quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, cách ly theo đúng quy định. Khi đã có quy trình chuẩn, việc diễn tập phải được thực hiện thường xuyên (kể cả lúc không có dịch bệnh) để có kinh nghiệm, đồng thời nâng cao cảnh giác trong cán bộ, nhân viên y tế", PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Có thể nói những cán bộ, ý bác sĩ, nhân viên y tế, họ không chỉ là những bác sĩ mà họ còn là những người chiến sĩ, những anh hùng trong cuộc chiến chống dịch. Cuộc chiến với Covid- 19 còn gian nan, bên cạnh những biện pháp bảo vệ, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cho những người nơi tuyến đầu chống dịch thì những người thầy thuốc ấy cũng cần có sự chung sức và ủng hộ của cả cộng đồng để họ vững tin hoàn thành nhiệm vụ.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.