"Cuộc chiến" giành thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam
Thị trường chuỗi quán cà phê (Coffee Shop) tại Việt Nam hiện đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết với sự có mặt của hàng chục thương hiệu đang chiếm ưu thế với vài trăm cửa hàng khắp Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ cà phê lớn. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), tiêu thụ cà phê bình quân đầu người tăng từ 1,7kg cà phê năm 2015 lên gần 3kg trong năm 2023. Dự báo năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm; tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,6%/năm. Đây là cơ hội để ngành cà phê nội địa nói riêng và các cửa hàng cà phê tại Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên, tỷ lệ có mặt của các chuỗi F&B (Food & Beverage) trên thị trường hiện mới chỉ đạt mức 5%. Nguyên nhân là do văn hóa ẩm thực của người Việt ưa thích những quán nhỏ, thuận tiện ở ven đường. Chi tiêu cho thức uống phục vụ tại cửa hàng vẫn còn thấp so với những nước Đông Á, tạo nên cơ hội tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Báo cáo thị trường F&B năm 2023 của iPOS.vn công bố tháng 4 vừa qua cho thấy đến hết năm 2023, số lượng quán cà phê/trà tại Việt Nam đạt 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm 2022. Mức tăng này thấp hơn dự đoán đầu năm, do nhiều chuỗi đóng bớt cửa hàng, thu hẹp quy mô. Dù số lượng cửa hàng không tăng nhiều nhưng doanh thu ngành này vẫn tăng trưởng 2 con số, với 11,6%, cán mốc 590.000 tỷ đồng.
Nhìn thị trường F&B Việt Nam 2023 có thể thấy các chuỗi đồ uống phân khúc trung cấp, cao cấp đã trở lại cuộc đua giành thị phần gay gắt như thời điểm trước 2021. Nhộn nhịp nhất có lẽ là ông lớn Highlands, Phúc Long, Starbucks và đối thủ mới nổi Katinat.
Highlands hiện vẫn giữ vững vị thế vô đối với 777 cửa hàng đang hoạt động tại nhiều tỉnh thành cả nước theo cập nhật mới nhất trên website doanh nghiệp. Con số này tăng hơn 170 cửa hàng so với 605 cửa hàng cuối 2022. Ngoài ra còn hơn 50 cửa hàng tại Philippines.
Phúc Long cũng có một năm 2023 quyết liệt mở cửa hàng sang, xịn. Khoảng hơn 25 cửa hàng flagship đã được cấp tập mở trong 6 tháng cuối năm, với mục tiêu đưa thương hiệu này thành chuỗi đồ uống lớn thứ 2 Việt Nam. Hiện theo cập nhật trên hệ thống đến 15/5, Phúc Long đã có 157 cửa hàng và khoảng 45 ki-ốt tích hợp tại các cửa hàng Vinmart+.
Starbucks đã nhập khẩu thành công thương hiệu vào thị trường Việt Nam vào năm 2013. Sau 16 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, tính đến nay, thương hiệu này sở hữu 108 cửa hàng trên toàn quốc, tập trung tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng,...
Nhân tố gây bất ngờ nhất năm 2023 chính là chuỗi cà phê non trẻ Katinat Saigon Cafe. Từ cuối năm 2022 đến nay, Katinat say mê mở cửa hàng mới tại các vị trí vàng ở trung tâm TP.HCM. Số liệu cập nhật đến giữa tháng 5, Katinat có 65 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành cả nước, trong đó nhiều nhất là TP.HCM.
Không chỉ có sự xuất hiện của các thương hiệu lớn, sự bứt phá của các thương hiệu mới trên thị trường đồ uống Việt như Mixue, Phê La, Cheese Coffee... đang khiến cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt và khiến thị trường nhộn nhịp hơn.
Ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab, đánh giá các thương hiệu muốn phát triển bền vững cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ và danh tiếng thương hiệu. Điều này sẽ giúp xây dựng sự gắn kết thương hiệu trong thời gian dài và lòng trung thành của khách hàng.
Thị trường F&B Việt Nam dự kiến sẽ bùng nổ trong năm 2024, được đánh dấu bởi sự mở rộng của các nhà hàng và chuỗi cà phê. Người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng ưu tiên sự tiện lợi, lựa chọn việc ăn uống bên ngoài như một trải nghiệm thường xuyên hơn là hoạt động chỉ dành riêng cho những dịp đặc biệt.
Bên cạnh đó, văn hóa cà phê tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với các chuỗi cà phê trở thành điểm gặp gỡ phổ biến, giúp người dùng thoát khỏi cuộc sống thường nhật. Đặc biệt, bối cảnh ngành F&B vẫn đang liên tục thay đổi và điều chỉnh để phù hợp hơn với sở thích và thói quen tiêu dùng của người Việt.
Minh An (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.