Cuộc chiến giữa Visa và MasterCard: Kẻ 8 lạng người nửa cân, không ai muốn chậm chân, thua kém trong bất cứ mảng nào
Sau nhiều thập kỷ với các mô hình kinh doanh cốt lõi gần như giống hệt nhau, Visa và Mastercard bắt đầu có những chiến lược khác nhau để cạnh tranh và phát triển.
Visa và MasterCard là hai công ty cung cấp thẻ thanh toán quốc tế lớn nhất thế giới. Hầu hết mọi quốc gia đều chấp nhận thẻ của họ và thậm chí, đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thể phân biệt sự khác nhau giữa hai thương hiệu này.
Thông thường, khi nhắc đến thẻ tín dụng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến Visa và MasterCard. Visa hiện có vốn hóa thị trường đạt hơn 497 tỷ USD trong khi con số này của Mastercard là hơn 359 tỷ USD. Mô hình hoạt động của hai công ty khá giống nhau: Không phát hành thẻ trực tiếp mà thông qua các đối tác như ngân hàng hay hiệp hội tín dụng.
Điều này có nghĩa là tất cả các thẻ thanh toán Visa, MasterCard đều do bên thứ ba phát hành. Những loại thẻ mà 2 công ty cung cấp bao gồm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước.
Theo một khảo sát về thanh toán và tiêu dùng năm 2020 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, 42% người Mỹ thích thanh toán hóa đơn bằng thẻ ghi nợ, 29% sử dụng thẻ tín dụng. Như vậy, ít nhất 71% người được hỏi sở hữu một trong hai loại thẻ trên. Nhiều người trong số đó còn mở nhiều hơn 1 chiếc thẻ để được hoàn tiền, nhận ưu đãi của nhà phát hành.
Tổng quan về Visa
Năm 2020, Visa tạo ra 21,8 tỷ USD doanh thu ròng với khối lượng thanh toán là 8,8 nghìn tỷ USD. Sản phẩm cốt lõi của công ty bao gồm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước cũng như các giải pháp kinh doanh và dịch vụ ATM toàn cầu.
Doanh thu của Visa đến phần lớn từ phí dịch vụ và xử lý dữ liệu.
Tổng quan về MasterCard
Năm 2020, MasterCard tạo ra tổng doanh thu ròng là 15,3 tỷ USD, với khối lượng thanh toán là 6,3 nghìn tỷ USD.
Các sản phẩm cốt lõi của MasterCard bao gồm thẻ tín dụng tiêu dùng, thẻ ghi nợ tiêu dùng, thẻ trả trước và kinh doanh sản phẩm thương mại. Ngoài ra, MasterCard có một mảng kinh doanh gọi là "Giải pháp thanh toán", được phân chia theo các khu vực địa lý trên khắp nước Mỹ và các quốc gia khác.
Giống như Visa, MasterCard kiếm được phần lớn doanh thu từ phí dịch vụ và xử lý dữ liệu nhưng hai bên có đặc điểm và cấu trúc các loại phí này khác nhau.
(Ảnh: Internet).
Sau nhiều thập kỷ với các mô hình kinh doanh cốt lõi gần như giống hệt nhau, Visa và MasterCard bắt đầu có những chiến lược khác nhau để cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh nhu cầu về tùy chọn thanh toán nâng cao của người tiêu dùng tăng mạnh.
Trong khi MasterCard tập trung công nghệ vào thị trường B-2-B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), Visa lại hướng tới cải thiện cách thức thanh toán giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hai ông lớn thanh toán này cũng có những động thái quan trọng để tiếp cận gần hơn với ngành công nghiệp thanh toán tiền kỹ thuật số đang phát triển như vũ bão hiện nay.
CEO của Visa từng nói rằng tiền số có thể trở thành phương tiện thanh toán mới, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Do đó, công ty đã tích cực mở rộng quan hệ đối tác trong thế giới tiền số. Đầu năm nay, họ bắt tay với một ngân hàng kỹ thuật số tại Kansas để giúp tích hợp Bitcoin và tiền số.
Cuối tháng 3/2021, Visa thông báo sẽ chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền số USD coin (USDC) trên mạng lưới của mình. Người đứng đầu bộ phận tiền số của công ty cho biết: "Nhu cầu tiếp cận, sở hữu và sử dụng tiền số của người tiêu dùng trên thế giới đang ngày càng tăng. Nắm bắt xu hướng này, Visa đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ cung cấp cơ hội đó cho khách hàng".
Trước đó 1 tháng, MasterCard đã cho phép chủ thẻ giao dịch bằng một số loại tiền số nhất định. Ngoài ra, công ty cũng đang tích cực tham gia với nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới về kế hoạch tung ra các loại tiền số mới.
Điều này cho thấy, dù là lĩnh vực thanh toán truyền thống hay liên quan đến tiền số, Visa và MasterCard đều không muốn chậm chân và thua kém đối thủ lớn bậc nhất của mình trong suốt hàng chục năm qua.
Nguồn: IT, AB
Mộc TiênNăm 2025 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Yếu tố xanh là yêu cầu tất yếu đối với ngành gỗ để đạt được mục tiêu đề ra và xuất khẩu bền vững.