Cước container tăng phi mã tác động như thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt nhóm thuỷ sản?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:06 AM 14/01/2021

Năm 2020 nhóm xuất khẩu, đặc biệt là thuỷ sản khép lại với kết quả kinh doanh hầu như đều vượt kỳ vọng. Trên thị trường, cổ phiếu cũng sớm phản ánh sự lạc quan khi liên tục tăng mạnh từ tháng 3, thu hút mạnh dòng tiền bất chấp giai đoạn cao điểm của đại dịch.

Tình trạng tắc nghẽn container tại các cảng đi châu Âu, Mỹ… cùng với sự phục hồi nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc đang đưa ngành vận tải biển toàn cầu bước vào khủng hoảng thiếu container trầm trọng. Hệ quả, chi phí cước container nhảy vọt bằng lần chỉ sau thời gian ngắn, chưa kể thiếu hụt container khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lâm vào tình trạng khó khăn, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Dước góc nhìn doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho biết đang nỗ lực đàm phán với đối tác chia sẻ giá cước, trong lúc chờ đợi sự can thiệp, hỗ trợ xử lý từ các bộ ngành liên quan. Dù ngắn hạn gặp thách thức bởi vấn đề liên quan đến container rỗng, kéo theo chi phí lưu kho, bãi đậu gia tăng, lãnh đạo các bên vẫn rất lạc quan trong dài hạn. Khi mà, các tin mới về vắc xin kỳ vọng sẽ sớm khống chế được đại dịch trên toàn cầu, riêng Việt Nam còn hưởng lợi từ dòng vốn dịch chuyển cùng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại.

Thực tế, năm 2020 nhóm xuất khẩu, đặc biệt là thủy sản khép lại với kết quả kinh doanh hầu như đều vượt kỳ vọng. Trên thị trường, cổ phiếu cũng sớm phản ánh sự lạc quan khi liên tục tăng mạnh từ tháng 3, thu hút mạnh dòng tiền bất chấp giai đoạn cao điểm của đại dịch.

Cước container tăng phi mã tác động như thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt nhóm thuỷ sản? - Ảnh 1.

Câu hỏi đặt ra hiện tại, liệu rằng khủng hoảng container tác động như thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và nhóm thủy sản nói riêng?

Trao đổi với chúng tôi, ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital – cho biết: "Đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến tình trạng giãn cách xã hội (social distancing) hoặc phong tỏa tại các nước, dẫn tới việc thiếu hụt lao động trực tiếp, ngành logistics không đứng ngoài vòng ảnh hưởng đó nên việc xử lý hàng hóa tại các cảng, các khu trung chuyển… bị gián đoạn hoặc chậm trễ, thiếu hụt thủy thủ đoàn, nhân viên vận tải, giao nhận… nên giá cước vận chuyển tăng cao, và tình trạng thiếu hụt container rỗng trên phạm vi toàn cầu cũng là một trong các hệ lụy. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là vấn đề ngắn hạn và khi đại dịch được kiểm soát trong thời gian tới thì tình hình sẽ trở nên ổn định hơn".

Ông cho biết thêm, chi phí logistics tăng cao tác động không quá lớn đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước, đặc biệt là các nhu yếu phẩm, bao gồm cả các mặt hàng do Việt Nam xuất khẩu như dệt may, thủy sản… Hơn nữa, giá thành các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam đang ở mức cạnh tranh nhất khu vực nên dù giá cước tăng vẫn không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến hiệu quả chung của việc nhập khẩu.

Vấn đề lớn nhất là tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" trong quyết định đầu tư

Ngược lại, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay theo ông Andy Ho chính là tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" trong việc đưa ra quyết định đầu tư.

"Trong bối cảnh lãi suất đang ở mức thấp và nguồn tiền nhàn rỗi lớn, các doanh nghiệp sẽ phân vân giữa việc đầu tư máy móc thiết bị sản xuất hay đầu tư tài chính. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp dễ dàng vay vốn mua sắm cơ sở vật chất với lãi suất thấp. Tuy nhiên, việc dự báo nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới hoặc thời điểm lãi suất tăng trở lại cũng là thách thức dành cho các doanh nghiệp vì cả 2 điều này phụ thuộc vào việc khi nào kiểm soát được dịch bệnh và khả năng phụ hồi kinh tế của từng thị trường", ông Andy Ho cho biết thêm.

Lãi suất huy động 12 tháng

Cước container tăng phi mã tác động như thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt nhóm thuỷ sản? - Ảnh 2.

Nguồn: SSI Research.

Nhìn lại năm 2020, từ tháng 7, đặc biệt sau khi Việt Nam cùng Châu Âu (EU) ký Hiệp định EVFTA và được thực thi từ ngày 1/8 xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại, thậm chí luôn duy trì ở mức 2 con số.

Với những triển vọng tích cực vào những tháng cuối năm, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng cả năm 2020 xuất khẩu thủy sản có thể cán mốc 8,4 tỷ USD.

Phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng công bố ước con số kinh doanh 2020 rất khả quan. Đơn cử, Thực phẩm Sao Ta (FMC) sau 11 tháng đạt doanh thu khoảng 180 triệu USD – tương đương 4.140 tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước, gần như hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm 2020. Hay Navico (ANV), theo chia sẻ của người đứng đầu ước con số cả năm vượt nhẹ chỉ tiêu với hơn 3.000 tỷ doanh thu. "Vua tôm" Minh Phú (MPC) cũng ước kim ngạch xuất 2020 đạt khoảng 580 triệu USD – tương đương 13.653 tỷ đồng.

Xuất khẩu thủy sản có thể đạt 9,4 tỷ USD trong năm 2021, động lực ở ngành tôm và cá tra

Năm 2021, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2016-2019 là 6,8%). Trong đó xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng ( 15% so với cùng kỳ đạt 4,4 tỷ USD), tiếp theo là cá tra ( 5% so với cùng kỳ đạt 1,6 tỷ USD) và các sản phẩm thủy sản khác ( 6% so với cùng kỳ đạt 3,4 tỷ USD).

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu tôm mạnh như vậy là khó khả thi, vì sự phục hồi của nguồn cung (Ấn Độ) sau Covid-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam. Theo SSI Research, các công ty xuất khẩu tôm sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ, với lưu ý rằng chu kỳ nuôi tôm ngắn (chỉ 3-4 tháng), và tính cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU (đóng góp 37% giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam) sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu có chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) có thể nhận thấy nhiều cơ hội hơn để mở rộng tại thị trường EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực xuyên suốt năm. Giá bán bình quân có thể tăng khi nhu cầu tăng dần lên, hỗ trợ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.

Đối với cá tra, ước tính sự phục hồi cả về sản lượng và giá bán bình quân sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong cả năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021 khi vắc xin được phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ và EU, điều này có thể khuyến khích tiêu thụ thủy sản tại kênh nhà hàng.

Tri Túc
Ý kiến của bạn
Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 3,36 tỷ USD Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 3,36 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023; xuất siêu 3,36 tỷ USD tăng 96,5% so với cùng kỳ năm 2023.