Cuộc đua giảm giá chưa từng có tiền lệ có giúp hàng không hồi phục?

Thị trường
06:05 PM 08/06/2020

Hậu COVID-19, hàng không đang bước vào cuộc đua giảm giá chưa từng có trong tiền lệ, tuy nhiên, điều này có giúp kích cầu nội địa để các hãng hàng không hồi phục?

    Sự chênh lệch về mức giá giữa các hãng hàng không nay không còn tính bằng "triệu đồng" mà giảm xuống chỉ còn "nghìn đồng" khi giá vé chỉ từ 0 đồng - 99.000 đồng. Ảnh: Quốc Tuấn

    Hàng loạt chương trình kích cầu du lịch đã được các hãng hàng không đưa ra sau dịch COVID-19 nhằm khắc phục những tổn thất nặng nề của đại dịch. Bởi các đường bay quốc tế vẫn chưa có lời hẹn ngày trở lại, các chương trình giảm giá kích cầu nội địa được đưa ra.

    Theo đó, đồng loạt các hãng hàng không chạy đua giảm giá chưa từng có. Chưa thời điểm nào mà người tiêu dùng lại có nhiều sự lựa chọn bay nội địa với mức giá "vừa túi tiền" như giai đoạn hiện nay.

    Đặc biệt, sự chênh lệch về mức giá giữa các hãng hàng không nay không còn tính bằng "triệu đồng" mà giảm xuống chỉ còn "nghìn đồng" khi giá vé chỉ từ 0 đồng - 99.000 đồng.

    Bất chấp những nỗ lực của các hãng hàng không, lượng khách qua các cảng chỉ tăng nhẹ sau dịch. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 5/2020, lượng khách qua cảng trên cả nước đạt 2,88 triệu khách, giảm 70% so với cùng kỳ của năm 2019 song đã tăng cao so với tháng 4/2020.

    Điều này cũng được cho là sẽ khiến cuộc đua giảm giá vé máy bay còn kéo dài. Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo Airways hiện là hãng hàng không có tỷ lệ khôi phục số chuyến bay so với cùng kỳ năm ngoái cao nhất.

    Theo đó, chỉ tính riêng giai đoạn từ ngày 19/4 - 18/5, giai đoạn ngay sau thời kỳ giãn cách, số chuyến bay của Bamboo Airways đã đạt 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với Vietnam Airlines là 33,6%, Vietjet Air là 30,8% và của toàn thị trường là 29,9%.

    Điều này được lý giải, trong năm 2019, số chuyến bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air đều ở mức rất cao, lên đến trên 10.000 chuyến bay mỗi tháng.

    Đặc biệt, theo thông báo từ Vietnam Airlines, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, 29/5 là ngày đầu tiên số chuyến bay nội địa của hãng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Vietnam Airlines tăng 36% và đạt trên 300 chuyến bay trong ngày 29/5 và chính thức khôi phục hoàn toàn số chuyến bay nội địa so với cùng kỳ 2019.

    Sự trở lại mạnh mẽ của vận chuyển nội địa cũng giúp hãng đạt tổng số chuyến bay khai thác trên toàn mạng trong ngày 29/5 gần như tương đương với năm trước là hơn 350 chuyến bay chở khách và chở hàng hóa.

    Như vậy, có thể thấy với những chương trình kích cầu mạnh mẽ tới từ các hãng hàng không, lượng khách nội địa trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng trưởng trở lại. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để các hãng hàng không "tự cứu" lấy mình trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 và không ai khác chính người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi.

    “Nếu chúng ta khai thác tốt hàng không nội địa gắn liền với một chính sách tốt phát triển du lịch, rõ ràng, chúng ta có điều kiện để phục hồi phần nào các hãng hàng không trong nước để trụ vững trong thời gian khó khăn làm tiền để để bật dậy khi thị trường hàng không quốc tế phục hồi”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

    Theo chuyên gia, trong giai đoạn mới này, việc mở cửa hoạt động dịch vụ sẽ thúc đẩy ngành hàng không. Một trong những chính sách quan trọng chính là vấn đề tài chính, bám trụ như: Giảm các loại phí, dịch vụ cho ngành hàng không và du lịch, một loại dịch vụ cung ứng cho hàng không thì sẽ cùng vực dậy được nền kinh tế.

    Đại diện Cục Hàng không cho rằng, trong khó khăn của dịch bệnh, các hãng hàng không Việt đã tìm ra hướng đi mới là dùng máy bay chở khách để chở hàng.

    Trước đó, trong 4 tháng qua, Vietnam Airlines và Vietjet Air đã đẩy mạnh hoạt động này, nếu tính riêng bay chở hàng các hãng đang có lãi. Để tận dụng hoạt động này và tăng diện tích xếp hàng hóa, các hãng đã được Cục Hàng không Việt Nam và nhà sản xuất tàu bay (Boeing, Airbus) chấp thuận cho tạm tháo một số hàng ghế hành khách để xếp hàng hóa, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về an toàn bay, các yêu cầu kỹ thuật, tải trọng...

    Cục Hàng không dự báo thời điểm kỳ vọng thị trường hàng không quay trở lại giống như năm 2019 chắc cũng phải 2-3 năm trong trường hợp toàn cầu sớm khống chế dịch bệnh.

    Thy Hằng
    Ý kiến của bạn
    Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

    Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.