Cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực khách sạn - lưu trú

Nhịp cầu BĐS
02:50 PM 29/04/2025

Việc các "đại bàng" ngành khách sạn - lưu trú dự định đổ bộ và mở rộng thêm tại Việt Nam thể hiện tiềm năng tăng trưởng của ngành khách sạn tại Việt Nam nhưng lại khiến sự cạnh tranh càng khốc liệt.

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2025 của Savills Hà Nội cho thấy công suất phòng khách sạn tại Thủ đô đạt mức trung bình 76%, tăng 11 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc khách sạn 4 và 5 sao ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt tăng 5 và 6 điểm phần trăm so với quý I/2024.

Không chỉ vậy, giá thuê phòng cũng đã tăng nhẹ 2% so với quý trước, với sự điều chỉnh tùy thuộc vào từng phân khúc. 

Cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực khách sạn - lưu trú- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài Hà Nội, nhiều thành phố lớn khác cũng ghi nhận sự khởi sắc của thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ. Tại TP.HCM, ngành lưu trú ghi nhận mức tăng trưởng 10,5% trong quý I/2025, với doanh thu vượt mốc 5.000 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng và Quảng Ninh, mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt đạt 34,23% và 22,9%, cho thấy tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và dịch vụ lưu trú trên toàn quốc.

Với những tín hiệu tích cực này, ngành khách sạn và du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, mở ra triển vọng tươi sáng cho mùa du lịch sắp tới, đồng thời đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế sau giai đoạn khó khăn.

Đây cũng là lý do hàng loạt các đại gia quốc tế trong lĩnh vực này đang “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Theo báo cáo của Savills Hotels, sự gia tăng các thương hiệu khách sạn quốc tế vào Việt Nam tăng lên rõ rệt trong thời gian qua. 

Điển hình là sự đổ bộ này là dự án của The Trump Organization - Tập đoàn của Tổng thống Donald Trump, khi đầu tư vào tổ hợp khách sạn, sân golf, khu dân cư quy mô lớn tại Hưng Yên, với tổng giá trị lên đến 1,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Hilton Hotels & Resorts, một trong những thương hiệu khách sạn nổi tiếng toàn cầu, cũng đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi sự hiện diện của mình tại Việt Nam trong vài năm tới để khai thác nguồn khách du lịch từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). 

Dự báo trong ba năm tới, khoảng 40% các khách sạn trung và cao cấp tại Việt Nam sẽ có sự liên kết với các thương hiệu nước ngoài, một sự tăng trưởng ấn tượng so với mức 30% hiện tại.

Rồi hàng loạt khách sạn tung các ưu đãi hấp dẫn du khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách hàng. Như khách sạn Movenpick Living West Hanoi triển khai chương trình giảm 20% giá phòng, giảm 15% dịch vụ ẩm thực, tặng chocolate trong thời gian từ 1/4 đến 3/5/2025. 

Đặc biệt, khách sạn Lotte mang đến ưu đãi 40% so với giá tốt nhất hiện có, kèm bữa sáng tự chọn thịnh soạn tại nhà hàng Grill63, ưu đãi 20% tại các nhà hàng, tiệm bánh trong khách sạn và miễn phí nâng hạng phòng cho khách hàng đặt từ 3 đêm trở lên từ ngày 25/3 đến 11/5/2025.

Trong khi đó, khách sạn Sheraton Hanoi áp dụng chương trình "Bring a Friend For Free" (Đi 2 trả 1) cho nhóm lên đến 20 người, mang đến trải nghiệm buffet thịnh soạn với mức giá 750.000++ VND/người trong dịp lễ 30/4-1/5.

Còn khách sạn Marriott giới thiệu gói nghỉ dưỡng bao gồm phòng ngủ, buffet sáng, bữa trưa hoặc tối tự chọn, ưu đãi 10% dịch vụ ẩm thực, kem tươi cho trẻ em và miễn phí giường phụ. 

Khách sạn Pan Pacific tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn như buffet "đi 4 trả 3", giảm 15% tiệc tối, giảm 20% bữa trưa Dimsum, ưu đãi tiệc trà, giảm 20% giá phòng cho hội viên và 10% cho khách hàng thông thường, miễn phí giường phụ và ăn sáng cho 2 người lớn, 2 trẻ em.

Đối với chương trình kéo dài cả năm 2025, khách sạn Metropole đem đến gói kỳ nghỉ "Enchanted Holiday" với giá 7.800.000++ VND/gói, bao gồm bữa sáng buffet hàng ngày cho hai người.

Sự đổ bộ và gia tăng các chương trình ưu đãi của các thương hiệu quốc tế lớn thể hiện tiềm năng tăng trưởng của ngành khách sạn tại Việt Nam, song cũng khiến mức độ cạnh tranh trong ngành thêm phần khốc liệt.

Do đó, để gia tăng sức cạnh tranh và uy tín, ngoài chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, nhiều khách sạn đã áp dụng du lịch xanh như hạn chế sử dụng rác thải nhựa; thực hiện phân loại rác thải; sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, vận hành máy móc, thiết bị; phát triển hệ thống cây xanh; chú trọng bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên,… Đây là xu hướng tất yếu không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh, uy tín, tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ tài nguyên, cảnh quan, văn hóa du lịch để phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, kết hợp nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và nâng cao trải nghiệm khách hàng, hay đổi cách tiếp cận trong marketing. Thay vì chỉ quảng bá cơ sở lưu trú, họ cần kể câu chuyện về điểm đến, tạo nên sức hút toàn diện cho du khách.

Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, kể cả đối thủ cạnh tranh, để phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch ẩm thực và âm nhạc, nhằm tạo trải nghiệm hấp dẫn hơn cho du khách.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn