Cuộc đua M&A bất động sản tăng nhiệt
Đường đua mua bán và sáp nhập (M&A) được dự báo tăng nhiệt trong các tháng cuối năm 2024 và kéo dài sang năm 2025.
Thị trường bất động sản gần đây ghi nhận các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đáng chú ý với sự tham gia của những doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động nhiều năm tại Việt Nam.
Tập đoàn Keppel (Singapore) sẽ thoái 70% vốn tại Công ty TNHH Saigon Sports City - đơn vị nắm quyền phát triển dự án 64 ha cùng tên ở TP.HCM. Bên mua là 2 doanh nghiệp Việt gồm Công ty TNHH Hai Thành Viên Đại Phước và CTCP Đầu tư Bất động sản Vinobly, với mỗi bên mua 35% vốn chia làm 2 đợt. Tổng giá trị thương vụ dự kiến trên dưới 7.000 tỷ đồng (tức khoảng gần 300 triệu USD).
Bên cạnh cái tên Keppel quen thuộc, đại gia địa ốc đến từ Malaysia là SkyWorld cũng tích cực tìm kiếm quỹ đất mới tại Việt Nam và đang thương thảo để có thêm 2 dự án mới trong năm 2024. Trước đó, công ty này đã chốt thương vụ mua lại quỹ đất hơn 5.200 m2 ở quận 8, TP.HCM.
Giao dịch của Keppel làm "ấm" hơn thị trường M&A bất động sản từ đầu năm đến nay. Cách đây không lâu, công ty con của Khang Điền cũng đã rót 350 tỷ đồng để sở hữu Công ty Lộc Minh - chủ đầu tư dự án khu nhà ở cao tầng quy mô 1,9 ha tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Hay Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với 3 doanh nghiệp nước ngoài gồm NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển dự án The One World, một khu dân cư rộng 50 hecta tại Bình Dương.
Trong các thương vụ M&A, bất động sản vẫn là lĩnh vực yêu thích của các nhà đầu tư. Trong đó, phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Nếu 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung vào nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland..., thì hiện nay, thị trường có thêm nhiều “tay chơi” mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...
Cùng với nhà ở, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng đang là hút vốn FDI. Một trong những thương vụ đình đám là Mapletree Logistics Trust (MLT) - quỹ đầu tư đến từ Singapore, chi 68,4 triệu SGD (hơn 50 triệu USD) mua lại 2 nhà kho hạng A tại Việt Nam, lần lượt ở Bình Dương và Hưng Yên.
Bên cạnh 2 phân khúc chủ lực là nhà ở và khu công nghiệp, Savills Việt Nam cho hay, thời gian gần đây không ít nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển sang các sản phẩm có thể tạo ra dòng tiền ngay, như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, văn phòng...
Trong một cuộc chia sẻ gần đây, CapitaLand Development Việt Nam cho biết tập đoàn nhận thấy tiềm năng rất lớn không chỉ trong lĩnh vực nhà ở mà còn cả văn phòng, khu công nghiệp và hậu cần, khi Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Nhìn vào những thương vụ M&A vừa qua có thể nhận thấy, sân chơi M&A trên thị trường bất động sản không chỉ giới hạn ở các tập đoàn nước ngoài mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, ít nhất là về mặt công bố.
Điều này chứng tỏ thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, với các công ty trong nước ngày càng tự tin và chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đang xem Việt Nam như một thị trường chiến lược quan trọng trong khu vực.
Giới chuyên gia nhìn nhận, sở dĩ nhà đầu tư nước ngoài gia tăng hứng thú tới bất động sản Việt Nam nhờ những thay đổi mới trong vấn đề pháp lý gần đây. Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục pháp lý, tăng nguồn cung bất động sản và tạo cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện khung khổ pháp lý và tạo môi trường đầu tư ổn định sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn trong những năm tới.
Dự báo đường đua M&A bất động sản đang hứa hẹn bùng nổ trong các tháng cuối năm 2024 và trong cả năm 2025.
An Mai (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.