Cước vận tải giảm, sản lượng hàng hóa tăng
Theo báo cáo từ Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), so với thời điểm tháng 7, đến trung tuần tháng 8, giá cước vận tải biển thế giới đã giảm trên tất cả các tuyến.
Đặc biệt giá cước vận tải biển giảm mạnh nhất là trên tuyến Châu Á đi bờ tây nước Mỹ, tuyến Châu Âu (giảm khoảng 20-30%). Mức giá trên các tuyến vận tải khác cũng giảm khoảng từ 15-25%.
Hiện tại, mức giá giảm bằng 44% so với mức giá thời kỳ đỉnh điểm trong lịch sử đại dịch (tháng 9/2021) và dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trung bình mỗi tuần, giá cước giảm khoảng 3-4% so với tuần trước đó. Dự báo trong thời gian tới, giá cước tiếp tục giảm do một số các tác động tích cực từ thị trường và hiện tượng tắc nghẽn tại một số cảng lớn đã không còn xảy ra.
Đáng chú ý, trong khi giá cước vận tải đang trên đà giảm, sản lượng hàng hóa cũng có dấu hiệu tăng trưởng.
Theo thống kê, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam trong 7 tháng năm 2024 đạt gần 500 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng container đạt 16,9 triệu Teu, tăng 21%, container xuất nhập khẩu đạt 10,8 triệu Teu, tăng 16,6%.
Riêng khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sản lượng container xuất nhập khẩu trong 7 tháng đạt 3,329 triệu Teu, tăng 38,4% so với 2023. Khu vực cảng Lạch Huyện cũng tăng trưởng sản lượng hàng container, đạt 954,84 nghìn TEUS, tăng 53%.
Theo Cục Hàng hải VN, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường vận tải, đưa tới nhiều thuận lợi cho khách hàng, giảm chi phí vận tải, thuận lợi trong việc đặt chỗ, mang lại hiệu quả kinh doanh của chủ hàng. Trước đó, từ đầu năm 2024 đến nay, giá cước vận tải hàng hóa container xuất nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là các tuyến vận tải biển xa.
Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu nên giá cước vận tải container đi nước ngoài không nằm ngoài xu hướng chung của giá vận tải thế giới, cũng bị điều chỉnh tăng/giảm theo giá chung của thị trường thế giới.
Dù chủ yếu chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam không phải trực tiếp chi trả giá cước, nhưng giá cước tăng cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành hàng hoá. Các chủ hàng VN cũng phải gánh rủi ro trong việc biến động mức giá bằng việc phải điều chỉnh giá mua (hoặc giá bán) của hàng hoá.
Để có giải pháp ký kết hợp đồng dài hạn, giảm tác động về giá cước, các hiệp hội chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng nâng cao vai trò hiệp hội, định hướng hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp thành viên. Các hiệp hội là đầu mối tập hợp hàng hóa từ các doanh nghiệp thành viên để ký kết hợp đồng vận tải dài hạn, ổn định với hãng tàu, giảm thiểu rủi ro về biến động giá.
Phía Cục Hàng hải VN đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình giá dịch vụ, giá các loại phụ thu và thị trường container rỗng với các hãng tàu và hoạt động thực tế tại một số cảng biển tại khu vực miền Bắc và miền Nam.
Các hãng tàu đều khẳng định không có hiện tượng thiếu container rỗng tại thị trường Việt Nam kể cả trong giai đoạn thị trường giá tăng cao. Các hãng tàu cũng cam kết bổ sung container rỗng về Việt Nam, đáp ứng nhu cầu hàng hóa container tăng cao như hiện nay.
Cục Hàng hải cũng giao các cảng vụ hàng hải và các chi cục hàng hải tăng cường giảm sát giá dịch vụ tại cảng biển và giá phụ thu giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển...
Cơ quan này cũng chỉ đạo các cảng vụ hàng hải đổi mới, cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải phóng tàu thuyền, hàng hóa vào, rời cảng biển, đảm bảo hoạt động hàng hải được thông suốt...
Huyền My (t/h)Ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.