Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải: May mắn, tự hào khi được xông pha vào những chiến trường nguy hiểm nhất
Ông Lê Mạnh Hải - một cựu chiến binh và cũng là một doanh nhân nổi tiếng xứ Nghệ, từng vào sinh ra tử trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ở miền Nam và biên giới Tây Nam. Với trái tim nhiệt huyết, tinh thần chiến đấu sục sôi, trách nhiệm và nghĩa vụ của tuổi trẻ, chàng thanh niên Lê Mạnh Hải khi đó chưa tròn 20 tuổi, đã hăng hái lên đường nhập ngũ với lời thề chống Mỹ cứu nước, quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược...
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã làm cho đế quốc Mỹ suy yếu một bước nghiêm trọng về quân sự, chính trị, kinh tế và bị cô lập trên thế giới. Vì vậy, sau nhiều năm leo thang chiến tranh và khi đã leo đến nấc thang cao nhất trong chiến lược "chiến tranh cục bộ" với trên nửa triệu quân Mỹ, chư hầu và một triệu quân ngụy, đế quốc Mỹ đã phải xuống thang chiến tranh, tìm cách rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam trong "danh dự" bằng cách thực hiện "phi Mỹ hóa" rồi "Việt Nam hóa chiến tranh". Thực chất của chiến lược đó là dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam thay cho quân đội viễn chinh Mỹ, với bom đạn và đô la của Mỹ, dưới sự chỉ đạo của quân phiệt Mỹ.
Quân dân cả nước ta bước vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn, gian khổ nhất và cũng quyết liệt nhất. Cả ba vùng chiến lược, miền núi, đồng bằng, đô thị trong tỉnh đã dấy lên cao trào diệt địch, diệt ác, và tham gia các hoạt động kháng chiến rất sôi nổi. Cả nước sục sôi khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược". Tinh thần khẩu hiệu được khắc trên núi đá để khơi dậy, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước. Với trái tim nhiệt huyết, tinh thần chiến đấu sục sôi, trách nhiệm và nghĩa vụ của tuổi trẻ, chàng thanh niên Lê Mạnh Hải khi đó chưa tròn 20 tuổi, đã hăng hái tòng quân.
Đầu năm 1970, chàng thanh niên Lê Mạnh Hải là một trong số 500 người dân Nghệ An lên đường nhập ngũ với lời thề chống Mỹ cứu nước, quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược. Sau 3 tháng quân trường huấn luyện tại Kỳ Thượng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Lê Mạnh Hải chính thức đứng vào hàng ngũ của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, được bổ sung vào Sư đoàn 320 và lên đường vào chiến trường B.
Thời điểm đó, cả đất nước dồn hết sức lực cho những chiến trường được định danh bằng các chữ cái tiếng Việt. Hậu phương miền Bắc là A, chiến trường miền Nam ở bên kia vĩ tuyến 17 được gọi là B. "Đi B" là vào Nam, là ra chiến trường, là trực tiếp giáp mặt đạn bom chiến đấu với kẻ thù. Ra đi vì mục tiêu thống nhất đất nước, những người lính trẻ như Lê Mạnh Hải không băn khoăn, không ngần ngại cũng không hối tiếc, mà đó còn là niềm tự hào, khi được đi vào chiến trường nguy hiểm nhất.
Sau nhiều ngày hành quân gian nan, vào cuối năm 1971 - đầu năm 1972, cùng đồng đội Sư đoàn 320, anh lính Lê Mạnh Hải có mặt ở chiến trường Kon Tum – mặt trận B3. Ngay sau khi đặt chân vào chiến trường, cũng là lúc chiến dịch xuân hè 1972 mở màn ở mặt trận Bắc Tây Nguyên. Và đây cũng là trận đánh đầu tiên ông tham gia cùng lữ đoàn ở điểm cao 1015 (Charlie) và điểm cao 1049 (Delta).
Mặt trận B3 là nơi có vị trí hiểm trở, địa hình phức tạp, rừng thiêng nước độc. Vì thế công tác đảm bảo hậu cần vô cùng khó khăn như thiếu ăn, thiếu uống, thiếu muối … Các trận đánh diễn ra ở các điểm cao, càng thêm cam go ác liệt. Hai bên giành giật từng tấc đất, từng điểm cao, không chỉ đấu súng mà còn đấu trí. Bởi tương quan lực lượng giữa hai bên đều sử dụng đội quân thiện chiến nhất. Mặc dù Sư đoàn 320 là một trong 4 lực lượng chủ chốt và tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng đối thủ bên kia chiến tuyến cũng sử dụng lực lượng quân dù – là lực lượng thiện chiến của Việt Nam cộng hòa.
Điểm cao 1015 (Charlie - đồi Sạc Ly - PV) nằm tiếp giáp 3 huyện Sa Thầy - Ngọc Hồi – Đắc Tô (Kon Tum). Do điểm cao chiến lược này có thể quan sát cả vùng rộng lớn ngã ba Đông Dương, nên ngay từ những năm 1960, quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) đã xây dựng 1 cứ điểm quân sự để kiểm soát khu vực. Thời điểm tháng 4/1972, khu vực Charlie do tiểu đoàn nhảy dù 11, QLVNCH đóng giữ. Bước vào chiến dịch Xuân - Hè 1972, quân giải phóng Miền nam Việt Nam quyết định phá vỡ tuyến phòng thủ phía tây sông Pô Cô, thuộc tuyến phòng ngự vòng ngoài của căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh, trong đó có điểm cao chiến lược Charlie (1015) và Delta (1049). Trận đánh ở cứ điểm 1015 và 1049 là trận đánh mở màn, có ý nghĩa quyết định.
Từ cuối tháng 3/1972, tại khu vực Sa Thầy đã diễn ra các trận đánh vô cùng khốc liệt giữa trung đoàn bộ binh 64, 52, 48 và tiểu đoàn 19 đặc công thuộc sư đoàn 320A với lực lượng QLVNCH (được pháo binh, máy bay yểm trợ đắc lực) trấn giữ trên các điểm cao. Đặc biệt, từ ngày 12 - 24/4/1972, trung đoàn bộ binh 64 do Trung tá Khuất Duy Tiến chỉ huy đã cùng quân và dân địa phương kiên cường chiến đấu, chấp nhận hy sinh, tiêu diệt gọn tiểu đoàn nhảy dù 11 QLVNCH; tiến tới chiếm giữ và kiểm soát hoàn toàn điểm cao Charlie.
Thắng lợi tại Charlie đã giáng đòn chí tử vào tuyến phòng ngự vòng ngoài của QLVNCH bên bờ tây sông Pô Cô, tạo điều kiện cho các lực lượng của quân giải phóng miền nam tiến công làm nên chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh, phá vỡ toàn bộ trung tâm phòng ngự mạnh của VNCH, giải phóng một vùng rộng lớn, làm thay đổi cục diện trên chiến trường Bắc Tây Nguyên. Đây cũng là chiến thắng có ý nghĩa to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta, quyết định đến sự thắng lợi, tác động đến việc buộc Đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris tháng 1/1973, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Là trận đầu tiên trực tiếp ra chiến đấu, đối diện với kẻ thù, với chàng trai Lê Mạnh Hải luôn là những ký ức không thể nào quên. Không chỉ là sự gian nan, ác liệt của khói lửa, súng đạn, mà còn còn là tình đồng chí, đồng đội, đồng hương trong trong hoàn cảnh mà ranh giới sinh tử, sống chết rất mong manh. Bởi lẽ đó, với Lê Mạnh Hải, một ngày sống là một ngày được cống hiến cho Tổ quốc, được sống trong tình đồng chí yêu thương, gắn bó. "Đây là cuộc chiến mà với cá nhân tôi nói riêng và tất cả cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 320 được tham gia trận này, sẽ không bao giờ lãng quên" - Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải xúc động chia sẻ khi nhắc đến trận chiến đầu tiên – Trận xuân – hè 1972.
Khi được bổ sung vào F320, chiến binh Lê Mạnh Hải đảm nhận vị trí là lính vận tải đường bộ, là người đi trước về sau trong các cuộc chiến. Bằng đôi vai, đôi chân, bàn tay của mình gùi đạn dược vào từng trận địa để chuẩn bị cho các trận đánh. Và cũng là những người cuối cùng ở lại sau trận địa, để mang cáng thương binh, tử sĩ, thu dọn chiến trường. Vì vậy, hơn ai hết, người lính trẻ Lê Mạnh Hải thấu cảm được nỗi đau mất mát, hi sinh. Sau mỗi trận đánh, người lính vận tải đường bộ tiếp tục nhiệm vụ của mình. Tiếp xúc, chứng kiến những người đồng đội, đồng chí tuổi chỉ mới mười tám, đôi mươi ngã xuống, hi sinh, thương tích đầy mình, còn nỗi đau nào lớn hơn! Những lời gửi gắm tới người thân, gia đình và và người yêu của đồng đội trước khi lâm chung. Là nụ cười tự hào được cống hiến cho Tổ quốc, là lời quyết tâm quyết chiến quyết thắng của đồng đội trước khi hòa vào đất Mẹ… là ký ức mà người lính trẻ Lê Mạnh Hải chẳng thể nào quên!.
Hàng ngàn chiến sĩ thuộc Sư đoàn 320A đã mãi mãi nằm lại nơi đây, nên tâm nguyện xây dựng nhà bia tưởng niệm trên trận địa cũ luôn là trăn trở và quyết tâm của người cựu chiến binh – thương binh Lê Mạnh Hải và đồng đội Sư đoàn 320.
"Sư đoàn chúng tôi trưởng thành và trải qua nhiều trận chiến đấu ở Chiến dịch Lam Sơn 719 năm 1971 (hay còn gọi chiến dịch đường 9 Nam Lào). Năm 1972 đơn vị chúng tôi được điều vào chiến trường mới ở Bắc Tây Nguyên. Tại đây, điều kiện chiến đấu hết sức khó khăn, gian khổ, lương thực thiếu thốn. Trong khi đó, việc vận tải trang bị chiến đấu chúng tôi đều thực hiện bằng sức người (mang, vác, cõng), mà lực lượng máy bay địch, các thám báo hoạt động liên tục để tìm, tiêu diệt đơn vị. Chính vì phải chiến đấu trong điều kiện cam go, khốc liệt như vậy nên chúng tôi có tình đồng đội, đồng chí đặc biệt... Sau giải phóng, các cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 320 cả nước nói chung, các đơn vị trực tiếp chiến đấu tại điểm cao 1015 và 1049 đều tâm nguyện mong muốn quay trở lại chiến trường xưa, xây dựng nhà bia tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã ngã xuống, nằm lại nơi này" - CCB Lê Mạnh Hải - Phó thường trực Ban liên lạc, bạn chiến đấu Sư đoàn 320 tại Nghệ An – Hà Tĩnh không giấu được niềm xúc động khi chia sẻ về tâm huyết xây dựng nhà bia tưởng niệm trên hai điểm cao 1015 và 1049.
Với khí chất và tinh thần của người bộ đội cụ Hồ, ngay sau khi lên kế hoạch chi tiết, cụ thể CCB Lê Mạnh Hải cùng đồng đội và ban liên lạc Sư đoàn 320 tại Nghệ An – Hà Tĩnh bắt tay vào thực hiện ngay. Nói riêng về CCB Lê Mạnh Hải, ông không chỉ đóng góp ngày công mà còn cả phần lớn vật chất, chi phí để hoàn thành. Mặc dù thời điểm bắt đầu xây dựng, sức khỏe của ông có dấu hiệu không tốt, bác sĩ khuyên ông nên vào viện điều trị; cùng với đó là thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở trên điểm cao hơn 1000 mét, mưa nắng thất thường, đường lên núi gần như còn nguyên thủy, một mình đi lên núi cũng là cả một sự khó khăn, chưa nói đến việc vận chuyển vật liệu, thiết bị xây dựng. Nhưng, gác lại những lời cảnh báo của bác sĩ, ông giấu bệnh với cả gia đình, quyết tâm cùng đồng đội hoàn thành tâm nguyện.
Từ tháng 12/2017 đến giữa tháng 5/2018, ông Lê Mạnh Hải cùng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng và cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 320 đã tốc lực và dành toàn bộ tâm huyết, quyết tâm để xây dựng công trình. Ở tuổi "xưa nay hiếm", những người đồng chí F320 lại trở về chiến trường cũ, ăn ngủ cùng nhau, lăn xả cùng nhau, để thực hiện tâm nguyện: hoàn thành Nhà bia tưởng niệm trên trận địa cũ – nơi những người đồng đội sư đoàn 320 đã hi sinh và ở lại.
Nhà bia di tích lịch sử tại điểm hai điểm cao 1015 và 1049, với diện tích xây dựng gần 300 m2. Trong đó, công trình nhà bia có diện tích hơn 25 m2, cao 5,5m có lư hương và bia di tích được làm bằng đá granic nguyên khối. Hiện tại, Điểm cao 1015 và điểm cao 1049 đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh và trở thành điểm đến thường xuyên của cán bộ, nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Chính quyền địa phương cũng có hình thức trang trọng, nghiêm túc quản lý, bảo vệ di tích, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Riêng UBND Xã thành lập tổ bảo vệ di tích, hàng tháng vào ngày mùng 1 và ngày rằm lãnh đạo địa phương đều lên quét dọn, thắp hương. Đặc biệt, vào những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm địa phương luôn có lực lượng túc trực, tổ chức đón các đoàn CCB đến thăm di tích, các đoàn hành hương về nguồn, tri ân tưởng nhớ! Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để đồng đội, cán bộ và nhân dân thờ phụng và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Quảng BìnhGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.