Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Phương: Một lòng sắt son theo Đảng
Tuy đã nghỉ hưu trên 30 năm nhưng đảng viên Nguyễn Thanh Phương (sinh năm 1938) vẫn duy trì cuộc sống mẫu mực, giản dị, hòa đồng, tham gia các hoạt động của địa phương và luôn làm gương cho con, cháu học, tập noi theo.
Vừa qua, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Phương vinh dự nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng đúng dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) do Quận ủy quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Ông Nguyễn Thanh Phương (hay còn gọi là Nguyễn Văn Luốc) sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, có cha tham gia Hội Nông dân xã, anh ruột và em ruột là liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ. Mới bước sang tuổi thanh niên, Nguyễn Thanh Phương tham gia Đội tự vệ ấp, đến đầu năm 1961, lên đường nhập ngũ theo đơn vị về chiến khu Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Sau đó, Nguyễn Thanh Phương được giao nhiệm vụ người lính giao liên Trạm A10 (sau đổi tên là Trạm H1) tại chiến trường Quân khu 6, đưa quân từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc.
Mặc dù công tác trong điều kiện gian khổ, ác liệt, đói khát, bênh tật, sốt rét... của núi rừng Trường Sơn, của chiến trường khu 6 nhưng Nguyễn Thanh Phương luôn rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 8/7/1963, Nguyễn Thanh Phương được đơn vị kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đây là niềm vinh dự, tự hào, đánh dấu sự trưởng thành trên con đường tham gia quân ngũ của ông.
Ông Nguyễn Thanh Phương kể lại: Có lần bọn biệt kích bất ngờ đánh vào Trạm giao liên, chúng đốt phá nhà cửa, gạo, thực phẩm, 1 đồng chí của Trạm hy sinh. Cán bộ, chiến sĩ phải ăn rau rừng, củ chụp để sống nhưng đơn vị vẫn hoàn thành việc đưa quân từ ngoài Bắc vào. Ngày 20/3/1964, Nguyễn Thanh Phương được Trạm giao nhiệm vụ nhận quân thì bị địch phục kích trên đường đi, lúc đó Nguyễn Thanh Phương, đã nhanh trí, tìm đường tránh, cắt rừng để đi đến điểm hẹn ở con đường thuộc Tuy Đức lên Đà Lạt và đưa bộ đội về địa điểm tập kết an toàn.
Năm 1965, ông Nguyễn Thanh Phương được cử đi báo cáo điển hình trong Đại hội Chiến sĩ thi đua tổ chức tại tỉnh Phước Long, cũng năm đó, ông được đề bạt làm Trạm phó và cấp trên bố trí Nguyễn Thanh Phương đi mở đường từ Campuchia về Việt Nam.
Do sức khỏe yếu, Nguyễn Thanh Phương được bổ sung về Đoàn 50 Cục Hậu cần - Kho B27 dược, cung cấp thuốc và dụng cụ y tế cho chiến trường miền Nam, đóng tại Cà Chay, quận My Mốt, Campuhia.
Ngày 1/5/1970, địch dùng xe tăng đánh vào sóc Cà Chay, Nguyễn Thanh Phương cùng đồng đội gài mìn, khiến chiếc xe M41 phát nổ. Chiếc xe M41 bị cháy hiện vẫn còn nằm tại sóc Cà Chay.
Tháng 12/1971, Nguyễn Thanh Phương chuyển ra Bắc về Đoàn 580 an dưỡng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Thanh Phương chuyển về công tác tại Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Tháng 12/1988, ông Phương nghỉ hưu theo chế độ, hiện cư ngụ tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
Trong quá trình công tác, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Phương đã đạt nhiều thành tích: Chiến sĩ thi đua, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba... Ngày 18/5/2023, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Phương vinh dự nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Phương cho biết: Khi được kết nạp vào Đảng, ông đã xin thề: Một lòng vì Đảng, vì dân; luôn giữ gìn bản thân trong sạch; chiến đấu, công tác đến giọt máu cuối cùng; noi gương Bác, suốt đời học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh....
Với 85 tuổi đời, 60 tuổi Đảng, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Phương vẫn một lòng sắt son với Đảng.
Minh AnhKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.