Cựu Chủ tịch Phường Đông Sơn kêu oan: Cần xem xét lại bản án sơ thẩm của TAND thị xã Bỉm Sơn
Cho rằng bản án sơ thẩm của TAND thị xã Bỉm Sơn còn nhiều căn cứ cần xem xét lại, nên ông Vũ Đức Cường cựu Chủ tịch phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa đã có đơn kháng cáo lên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.
Ngày 24/8/2020, TAND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 4 bị cáo trong đó có cựu Chủ tịch và địa chính phường Đông Sơn về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Các bị cáo gồm: Vũ Đức Cường (cựu Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn), Dương Thị Hà (cựu công chức địa chính phường Đông Sơn), Vũ Mạnh Quyến (cựu Phó Bí thư Chi bộ khu phố Đông Thôn, phường Đông Sơn) và Nguyễn Văn Kỳ (lao động tự do). Sau 5 ngày (từ ngày 24/8) HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Vũ Đức Cường 6 năm tù giam, Dương Thị Hà 5 năm 6 tháng tù giam. Bị cáo Vũ Mạnh Quyến 30 tháng tù, Nguyễn Văn Kỳ 24 tháng tù cho hưởng án treo.
Ngay sau khi bản án sơ thẩm được công bố, cựu Chủ tịch UBND phường Đông Sơn đã có đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Bị cáo Vũ Đức Cường cho biết:
Cuối năm 2014 Công ty TNHH Long Sơn được Thủ tướng chấp thuận đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, sau đó UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 10037/UBND-NN ngày 21/10/2014 về việc chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Ngày 06/11/2014 UBND thị xã Bỉm Sơn có Quyết định số 2632/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác hỗ trợ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn, ban đầu gồm 15 thành viên sau đó bổ sung thêm thành 18 thành viên do tôi là Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ công tác chỉ là hỗ trợ Công ty TNHH Long Sơn trong việc GPMB. Khi giải phóng mặt bằng xong thì Tổ công tác tự giải thể mà không cần quyết định.
Đến 6/4/2015, Thị ủy Bỉm Sơn thực hiện việc luân chuyển cán bộ. Quyết định số 1687-QĐ/TU về việc công nhận bổ sung tôi làm Bí thư Đảng ủy phường Đông Sơn (nhiệm kỳ 2013-2015). Ngày 19/5/2015, UBND thị xã Bỉm Sơn có Quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND phường Đông Sơn đối với tôi và ông Trần Văn Hán là người làm Chủ tịch UBND phường Đông Sơn kế nhiệm. Tính đến thời điểm 19/5/2015 trở về trước, với cương vị là Chủ tịch UBND phường và Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ GPMB xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn, tôi luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công, không để xảy ra sai sót hay thiệt hại gì liên quan đến Dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn thị xã Bỉm Sơn.
Theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành, dự án này Công ty TNHH xi măng Long Sơn phải tự thỏa thuận với đối tượng là người dân sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013; Công ty Long Sơn có nhiệm vụ lập hồ sơ và chịu trách nhiệm cuối cùng về hồ sơ nhận chuyển nhượng đất với các hộ gia đình. Hơn nữa, trong các Quyết định của UBND thị xã Bỉm Sơn (số 2632/QĐ-UBND và số 3095/QĐ-UBND) ghi rất rõ: "Tổ trưởng: Ông Vũ Đức Cường, Chủ tịch UBND phường Đông Sơn". Ngày 19/5/2015, UBND thị xã Bỉm Sơn có Quyết định số 2031/QĐ-UBND miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND phường Đông Sơn đối với tôi. Như vậy, sau ngày 19/5/2015, tôi không còn là Chủ tịch UBND phường thì không thể là Tổ trưởng Tổ công tác. Bản án số 41/2020/HS-ST ngày 28/8/2020 cho rằng sau ngày 19/5/2015, tôi vẫn là Tổ trưởng Tổ công tác là hoàn toàn không có căn cứ.
Bị cáo Vũ Đức Cường cũng cho biết không lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ, luôn làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; không có hành vi sai trái nào gây thiệt hại trong quá trình công tác. Tôi không có vụ lợi, không vì động cơ cá nhân khác trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ; không chỉ đạo đối với Dương Thị Hà là công chức địa chính để làm sai lệch hoặc lập khống hồ sơ để nhận tiền bồi thường dẫn đến thiệt hại cho Công ty TNHH Long Sơn 605.000.000 đồng. Tôi không hưởng lợi gì từ việc Dương Thị Hà lập khống hồ sơ cho 3 hộ Quyến, Kỳ, Quế vì Dương Thị Hà lập khống hồ sơ cho 3 hộ trên tôi hoàn toàn không biết vì đã được miễn nhiệm, do đó Dương Thị Hà khi lập khống hồ sơ cũng không phải báo cáo tôi. Tòa cho rằng tôi là đồng phạm với Dương Thị Hà, nên phải chịu trách nhiệm về 227.747.000 đồng (tiền do hộ bà Quế được lập khống) là không có căn cứ.
Về 3 hồ sơ của ba hộ gia đình Vũ Mạnh Quyến, Nguyễn Văn Kỳ và Nguyễn Thị Quế là do Dương Thị Hà - công chức địa chính lập vào ngày 15/6/2015, lúc này tôi hoàn toàn không được biết mà người ký quyết định để tạo điều kiện cho Dương Thị Hà và 3 hộ gia đình nhận tiền bồi thường là do ông Trần Văn Hán - Chủ tịch UBND phường Đông Sơn ký. Việc Tòa quy kết cho tôi là chủ mưu là hoàn toàn không đúng pháp luật. Vì ngày 19/5/2015 tôi đã được miễn nhiệm Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, mà hồ sơ của các hộ (được lập khống) ngày 15/6/2015. Tòa án Bỉm Sơn cho rằng "ông Hán chỉ là người ký để hoàn thiện hồ sơ còn mọi việc họp xét nguồn gốc đất đã được Vũ Đức Cường và Dương Thị Hà làm trước ngày 19/5/2015". Điều này Tòa quên rằng, việc xét nguồn gốc đất của các hộ gia đình là do Hội đồng đăng ký đất đai phường Đông Sơn nhưng biên bản họp xét duyệt ngày 19/3/2015 do Dương Thị Hà lập không ghi rõ Hội đồng xét duyệt đất đai của phường gồm những ai tham gia, những người được mời tham gia phiên họp nhưng Dương Thị Hà cho rằng không phải là thành viên của Hội đồng đất đai của phường có 4 người, nhưng 1 trong 4 người đó là bà Hoàng Thị Cường khai rằng: Bà Cường chưa bao giờ được mời họp bất cứ một cuộc xét duyệt nào về đất đai của phường Đông Sơn. Như vậy, tôi khẳng định rằng biên bản họp xét duyệt ngày 19/3/2015 là do Dương Thị Hà công chức địa chính tự hợp thức hóa. Vì những thành viên tham gia họp khẳng định rằng biên bản họp xét duyệt đều có đầy đủ các thành viên tham gia họp và đều ký vào văn bản khi kết thúc cuộc họp.
Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm cần làm rõ biên bản cuộc họp có đầy đủ các thành viên ký và thông qua hiện giờ đang ở đâu nhưng trong hồ sơ vụ án không có? Khi biểu quyết về nguồn gốc của từng hộ gia đình, mỗi lá phiếu đều có giá trị như nhau; hơn nữa việc ông Trần Văn Hán (Chủ tịch UBND phường Đông Sơn giai đoạn từ 19/5/2015 đến năm 2017) và ông Trịnh Văn Toán (Phó Ban giải phóng mặt bằng thị xã Bỉm Sơn – Tổ phó Tổ công tác) là những người ký vào hồ sơ do Dương Thị Hà lập khống cho 03 hộ gia đình (Quyến, Kỳ Quế), Tòa án cho rằng: "Ký hồ sơ là căn cứ vào Danh sách xét duyệt nguồn gốc đất của UBND phường Đông Sơn đã duyệt, tuy nhiên Danh sách 49 hộ gia đình Hội đồng xét xử cũng khẳng định đây là hồ sơ được lập khống để hợp thức hóa, nhưng danh sách này là bản photo, không đủ căn cứ pháp lý (đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm phải làm rõ), trong khi 02 bản danh sách do tôi ký (DS 35 hộ và DS 12 hộ - không có 03 hộ Quyến, Kỳ, Quế) có đóng dấu đỏ Quốc huy của UBND phường Đông Sơn, dấu đỏ giáp lai giữa các trang lại không được dùng làm căn cứ. Mặt khác, việc niêm yết danh sách công khai của các hộ đang là thủ tục hành chính bắt buộc, không phải là lỗi hình sự. Và, đã là hồ sơ lập khống tại sao ông Trần Văn Hán, Chủ tịch UBND phường Đông Sơn lại phải ký để hoàn thiện. Tòa cũng đã khẳng định: "Danh sách 49 hộ lập ngày 19/3/2015 có 03 hộ Quyến, Kỳ, Quế là danh sách hợp lý hóa bản danh sách 49 hộ này do Dương Thị Hà lập và niêm yết công khai lúc nào tôi hoàn toàn không biết vì đây là bản photo thì không đủ căn cứ pháp lý. Do đó tôi đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm trưng cầu giám định chữ ký của tôi và con dấu của UBND phường Đông Sơn.
Tòa cho rằng: Dương Thị Hà cầm biên bản kiểm kê xuống cho các hộ dân ký, nếu có việc này thì Biên bản kiểm kê cũng được lập sau ngày 19/5/2015, vì trong mục Thành phần tham gia, đã được đánh máy sẵn "Đại diện UBND phường Đông Sơn – Ông Trần Văn Hán – Chủ tịch UBND phường Đông Sơn ký".
Danh sách 49 hộ dân trong đó có 3 hộ ông Quyến, ông Kỳ, bà Quế được bổ sung cần được xem xét lại khi làm căn cứ pháp lý tại tòa.
Tòa án nhân dân thị xã Bỉm Sơn cho rằng tôi chỉ đạo Dương Thị Hà lập khống 03 hồ sơ Quyến, Kỳ, Quế có diện tích 4.293,9m2 đất dôi dư để nhận số tiền 605.000.000 đồng. Hồ sơ do cán bộ chuyên môn của bộ phận nào thì chủ động làm và báo cáo lãnh đạo, thời điểm cô Hà lập hồ sơ (15/6/2015) tôi đã được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND phường nên không còn tư cách để chỉ đạo cô Hà, cũng không có văn bản hay bằng chứng gì khẳng định tôi chỉ đạo cô Hà. Sau khi cơ quan CSĐT Công an thị xã Bỉm Sơn rút list điện thoại để kiểm tra trong thời kỳ tôi làm Chủ tịch UBND phường cho đến ngày 19/5/2015 không có một cuộc điện thoại nào đi và đến từ số điện thoại của tôi với số điện thoại của 3 hộ gia đình Quyến, Kỳ, Quế.
Tại Giấy báo cáo của Dương Thị Hà viết tay có điều tra viên Doãn Văn Ngọc chứng kiến (bút lục số 174), ngày 09/01/2019, Dương Thị Hà đã thừa nhận hồ sơ của 3 hộ Quyến, Kỳ, Quế do Dương Thị Hà lập vào tháng 6 năm 2015. Nó phù hợp với biên bản lấy lời khai của 3 hộ Quyến, Kỳ, Quế là giữa năm 2015, Dương Thị Hà cầm hồ sơ xuống cho các hộ gia đình này ký. Đây là lời khai hoàn toàn giống nhau do một điều tra viên lập chứ không phải là lời khai phù hợp. Vũ Mạnh Quyến, Nguyễn Văn Kỳ và Nguyễn Thị Quế khai rằng tôi điện thoại cho họ nhờ ký hồ sơ là vu khống cho tôi. Và cũng đúng theo phụ lục 1 và phụ lục 2 kèm theo Công văn số 607/TTKD-TH ngày 23/03/2019 của Trung tâm Kinh doanh VNPT Thanh Hóa – Công ty dịch vụ Viễn Thông phúc đáp Công văn số 294/CSĐT ngày 07/03/2019 của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Bỉm Sơn xác định, trong thời gian từ tháng 03/2015 đến ngày 19/05/2015 (ngày miễn nhiệm Chủ tịch UBND phường đối với tôi) không có cuộc điện thoại nào của 3 hộ trên đi và đến 2 số điện thoại trên của tôi; thậm chí đến ngày 15/6/2015, do ông Hán ký hồ sơ của 03 hộ được Dương Thị Hà lập khống cũng không có cuộc điện thoại nào của tôi đi và đến với các số điện thoại của 03 hộ trên.
Tòa cho rằng tôi gọi điện cho ông Quyến và ông Kỳ lên phường để nhận tiền là không có căn cứ, vì tại phiên tòa, vào chiều ngày 25/8/2020 ông Trịnh Xuân Trường (Xóm trưởng Đông Thôn) và cô Dương Thị Hà (Địa chính) đã khẳng định: "Ông Trường thông báo qua đài phát thanh của thôn cho các hộ có đất được bồi thường lên UBND phường nhận tiền, theo danh sách do Ban giải phóng mặt bằng Thị xã Bỉm Sơn gửi xuống". Nhưng Tòa cấp sơ thẩm khẳng định tôi điện thoại cho 2 hộ Quyến và Kỳ đến phường nhận tiền là không có căn cứ pháp luật.
Trong khi, Công văn số 1849/UBND-TNMT ngày 25/11/2015 của UBND thị xã Bỉm Sơn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó khẳng định: "Năm 1998, khi thực hiện xong đổi điền, dồn thửa cho các hộ dân được giao đất nông nghiệp, tổng diện tích đất giao cho 47 hộ tại xứ đồng Đất Lốc ông Quang là 18.911,0m2" và Bản đồ trích đo số 73/TĐĐC được Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa phê duyệt ngày 31/12/2014 là tài liệu Địa chính hợp pháp, mới nhất và chính xác nhất (trong đó khẳng định rõ loại đất) thì Tòa lại không lấy làm căn cứ.
Tòa cho rằng, căn cứ vào Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, thì việc UBND phường Đông Sơn xét duyệt nguồn gốc đất cho các hộ gia đình là cơ sở để xác định các hộ có đất để giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn. Tòa cho rằng: Trước đây tôi là cán bộ Địa chính phường Lam Sơn (sau này là phường Đông Sơn) thì phải biết rõ vùng Đất Lốc – ông Quang và ba hộ (Quyến, Kỳ, Quế), như vậy là hội đồng xét xử nhận định theo ý thức chủ quan bởi vì tôi khẳng định không một ai có thể nhớ được diện tích đất của mình khi đã phá hết bờ vùng, bờ thửa, kênh mương vì đất của các hộ được giao từ năm 1993, diện tích manh mún, nhỏ lẻ; hồ sơ địa chính không có tài liệu nào thể hiện chính xác.
Trong bản án sơ thẩm: Về trách nhiệm dân sự, Tòa khẳng định không yêu cầu các bị cáo Quyến, Kỳ, Hà không phải khắc phục hậu quả là trả lại 605.000.000 đồng cho Công ty xi măng Long Sơn theo Công văn số 36/CV-LS ngày 20/3/2020 của Công ty TNHH xi măng Long Sơn là trái với pháp luật: Bởi 3 hộ Quyến, Kỳ, Quế, và cô Hà đã tự bán đất của Nhà nước để lấy tiền chia nhau thì số tiền đó phải được thu hồi để sung công quỹ nhà nước và giao cho UBND phường Đông Sơn quản lý: Vì Công ty TNHH xi măng Long Sơn đã được các hộ Quyến, Kỳ, Quế ký hợp đồng chuyển nhượng tại UBND phường Đông Sơn 4.293.9 m2 đất và hiện nay Công ty xi măng Long Sơn đang sử dụng 4,293,9 m2 đất này tại sao Tòa lại miễn xét và không đề cập đến số tiền 605.000.000 đồng này. Như vậy, vô hình trung Tòa cũng đồng tình cho 3 hộ Quyến, Kỳ, Quế được lập khống để lấy tiền bán đất của Nhà nước chia nhau. Và nếu Tòa không miễn xét về số tiền thiệt hại 605.000.000 đồng của Công ty TNHH xi măng Long Sơn thì sẽ không có sự việc xảy ra, không có vụ án xét xử, ông Cường nhấn mạnh.
Về vật chứng, Tòa cũng tuyên trả máy laptop xách tay của Dương Thị Hà là vi phạm tang vật của vụ án vì các tài liệu thu giữ tại gia đình cô Hà đang được Dương Thị Hà lưu vào máy tính cá nhân. Tòa tuyên trả thẻ ATM của Dương Thị Hà cũng là vi phạm về tang vật chứng vì Dương Thị Hà đã nhận số tiền 227.000.000 đồng của hộ bà Quế. Từ những căn cứ nêu trên tôi hoàn toàn không phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ như tòa sơ thẩm đã tuyên và tôi đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố thêm bị can là ông Trần Văn Hán về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và bà Nguyễn Thị Quế đồng phạm với Dương Thị Hà trong việc lập hồ sơ khống cho 3 hộ dân (ông Quyến, ông Kỳ, bà Quế).
Hà ChiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.