Cứu trợ phải hiểu người dân cần gì
“Rất ít đoàn cứu trợ hiểu dân cần gì”, là phát biểu của bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh sau đợt lũ lụt vừa qua.
Không chỉ lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh mà ngay NSƯT. Tố Nga, người đang có mặt ở Hà Tĩnh để cứu trợ bà con cũng nhận xét như vậy. Chị viết dòng trạng thái trên trang cá nhân: “Hôm nay các vùng ngập lụt ở Hà Tĩnh đã nhận được rất nhiều thức ăn chế biến sẵn của bà con nhân dân khắp mọi miền chuyển về như mỳ tôm, lương khô, xôi, cơm, bánh chưng... Một số địa bàn hai bên đường quốc lộ, đường lớn, dễ tiếp cận nhận được rất nhiều, còn số ở xa trong ngõ sâu, xóm dưới xa khó tiếp cận, không có xuồng nhỏ đi vào thì ngược lại.
Có nơi, có tình trạng bà con từ chối nhận mỳ, thức ăn nhanh, chọn lấy những loại ngon, có giá trị để sử dụng lâu dài. Đến cuối ngày có những đoàn thừa mấy trăm suất xôi, bánh chưng.... mang về mà không thể phát cho bà con vùng sâu, xa. Cán bộ đi cùng hướng dẫn rất xót vì bao công sức, tấm lòng của người dân gửi gắm vào đó, người đi cứu trợ thì buồn gấp bội.
Đúng là người Việt yêu nước thương nòi. Mỗi lần vùng, miền nào đó bị thiên tai, lụt bão...là tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhân ái Việt Nam được nhân lên rất nhiều lần. Thế nhưng cứu trợ tự phát, nếu theo “phong trào” trở thành “hội chứng” sẽ mất hết ý nghĩa hoặc làm giảm ý nghĩa của hành động nhân đạo".
Cứu trợ đồng bào mình nhưng cũng phải thông minh và đúng cách. Theo bà Thủy, tiếp xúc khoảng 100 đoàn đến Hà Tĩnh cứu trợ vừa qua chỉ có 2 đoàn hiểu được người dân họ cần gì, còn lại chủ yếu hỗ trợ nhu yếu phẩm như mì tôm, nước ngọt.
“Nên chăng mọi người nên xác định đi điểm nào thì nên tìm hiểu nhu cầu trước của dân ở đó, đừng sắm theo ý chủ quan của mình gây lãng phí”, NSƯT. Tố Nga chia sẻ trên trang cá nhân. Lũ đã rút, giờ nhu cầu thiết thực hơn của bà con vùng lũ là đồ dùng sinh hoạt, gạo, mắm muối, quần áo, nước sạch; dung dịch xử lý nước, thuốc chữa bệnh thiết yếu (loại kem bôi da, chống nước ăn chân, đau bụng...) và có ít tiền để mua sắm, khắc phục hậu quả sau lũ. Bao nhiêu thứ bà con phải mua sắm, cải tạo, gây dựng lại từ con số âm...
“Cơn lũ vừa qua đã tàn phá nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, với tình hình này những hộ thoát nghèo có thể tái nghèo trở lại, do vậy việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu là rất quan trọng với người dân”, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh tái xác nhận.
Qua khảo sát, ngoài nhu yếu phẩm như lương thực, những ngày qua, cơ bản đến với người dân. Về lâu dài người dân cần ở chính quyền các cấp có sinh kế để tạo dựng lại cuộc sống, “không được để dân đói, dân rét” như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mưa lũ tháng mười ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã qua. Bão số 8 và bão số 9 đang rình rập ngoài biển Đông. Kinh nghiệm về cứu trợ luôn có ý nghĩa.
Ngô Đại HànhĐại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.