Đa cấp 4.0 biến tướng trong đại dịch

Xã hội
03:26 PM 22/02/2021

Thế giới đang sống trong những ngày khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên. Nhưng hiện nay cũng tồn tại loại virut mang tên “đa cấp” nhanh chóng lây lan, hoành hành và biến tướng tạo thành một mạng lưới dày đặc, xâm chiếm và tấn công không chừa bất kỳ ai.

Chiêu trò tinh vi

Cam kết mua sắm hoàn tiền nhưng lại trả bằng điểm thưởng, coin (tiền ảo); giới thiệu người tham gia được sẽ được hưởng hoa hồng là cách mà hoàng loạt ứng dụng mua sắm hoàn tiền sử dụng mô hình đa cấp móc túi người nhẹ dạ cả tin và ham "làm giàu".

photo-1613974873151

Nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin, sập bẫy đa cấp biến tướng. Ảnh minh họa

Mới đây, anh Nguyễn Văn Tuân (Công ty TOHO, Hải Phòng) được người quen giới thiệu cho ứng dựng App mang tên Ola City (tên cũ là Ola Network). ứng dụng này được quảng cáo là có liên kết với nhiều trang thương mại điện tử và hàng ngàn cửa hàng, khi người dùng mua sắm được hoàn tiền từ 3-50% tùy sản phẩm. Anh Tuân được giới thiệu đây là App hoàn toàn miễn phí, không bắt buộc đầu tư nên rủi ro không có. Thế nhưng hoàn tiền chỉ là chiêu trò câu kéo người dùng bởi việc rút tiền thưởng lại phải thông qua một ví VNDC (một sàn giao dịch ảo) vừa ra mắt tại Việt Nam.

"Anh ta giới thiệu cho tôi là nếu mời thêm được bạn bè sẽ nhận được thưởng 3% trên tổng doanh số của tất cả các thành viên trong hệ thống 7 tầng của App. Ví dụ giới thiệu được 100 người, cứ 1 người kiếm được từ Ola City 1 triệu đồng/tháng thì người dùng sẽ có được tổng cộng khoản thưởng là 3 triệu đồng", anh Tuân cho biết.

Cũng là một nạn nhân của một ứng dụng đa cấp tương tự mang tên King of Invest, chị Vũ Thu Hà (nhân viên văn phòng Hà Nội) vừa mất số tiền hàng trăm triệu đồng đầu tư không rút ra được.

Chị Hà cho hay, để tham gia người chơi chỉ cần nạp tiền mặt vào một tài khoản trên trang web điện tử "King of Invest" với 7 mức đầu tư dao động trong khoảng 200-30000 USD. Lãi suất trả theo ngày trên 1,5%/ngày, tương đương 260%/năm và cao gấp 52 lần tiền lãi gửi ngân hàng. Sau một năm, người chơi sẽ rút được toàn bộ tiền gốc đầu tư.

"Rất nhiều người nhẹ dạ cả tin như tôi, thậm chí vay lãi suất cao để đổ vào chơi với tham vọng hoàn vốn nhanh, hưởng lãi cao. Giờ hơn 1 năm mà không rút được vốn, nợ nần vẫn phải trả mà không biết phải làm sao", chị Hà nghẹn ngào.

Theo chuyên gia kinh tế Đoàn Viết Phương (cố vấn cao cấp Ngân hàng Á Châu), đây chỉ là một trong số những mô hình đa cấp 4.0 biến tướng trong thời đại công nghệ hiện nay. Quảng cáo là 4.0 nhưng thực chất là 4 không (không trụ sợ, không hợp đồng, không biết ai là chủ, không giấy phép hoạt động), lãi suất ngày càng cao từ vài trăm đến ngàn phần trăm 1 năm và ngược lại tuổi đời của các mô hình này ngắn lại, nếu hút tiền càng nhanh thì sẽ sập chỉ sau vài tháng.

"Các mô hình lừa đảo, đa cấp biến tướng không phải mới xuất hiện trong năm 2020, cũng không phải chưa được cơ quan chức năng, truyền thông cảnh báo. Chỉ dựa trên niềm tin nhưng cũng có hàng ngàn người sập bẫy", anh Phương cho hay.

Cần nâng cao cảnh giác

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với hầu hết người dân cũng như các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm lên ngôi của những mô hình lừa đảo, đa cấp biến tưởng gắn mác công nghệ hay những mô hình kinh doanh mới. Dù không ít lần bị cơ quan chức năng và truyền thông báo chí phát giác, lật tẩy chiêu trò nhưng các mô hình này vẫn mọc lên "như nấm sau mưa" khiến nhiều người rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Cục đã đưa ra cảnh báo về việc người tiêu dùng không nên tham gia đầu tư, phát triển hệ thống tại những trang web hoặc ứng dụng thương mại điện tử có tên "tiêu dùng hoàn tiền", "mua sắm hoàn tiền" để tránh bị lừa đảo do có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.

So với thủ đoạn truyền thống mà yếu tố chụp giật khá lộ liễu, chỉ quanh quẩn một vài mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hiện nay các tổ chức tội phạm lwafd đảo theo mô hình kinh doanh đa cấp đang hoạt động dưới nhiều vỏ bọc đặc biệt phức tạp, trên nhiều lĩnh vực. Nhiều mô hình còn tiến hành trên Fanpage, các nhóm Group thay vì tổ chức các hội nghị đình đám như trước, chúng còn lôi kéo con mồi qua trò chuyện trực tuyến và livestream (phát sóng và tương tác trực tiếp) trên mạng xã hội. So với các hội thảo được tổ chức công khai, việc này vừa thu hút được nhiều người, vừa đảm bào được sự theo dõi hoặc chú ý của cơ quan chức năng.

photo-1613974894973

Truyền thông, báo chí cũng cảnh báo để nhà đầu tư tránh sập bẫy lừa đảo đa cấp biến tướng

Thực tế bản chất của những mô hình này, người dùng chú ý cũng dễ nhận biết. Thứ nhất, là việc cam kết lợi nhuận "trên trời", không cần làm gì mà vẫn hưởng lãi cao không tưởng. Thứ hai là gắn mắc mua sắm điện tử, tiền điện tử, ngân hàng điện tử để "mị dân". Tiếp đó là cơ chế nhận mời người chơi, hưởng hoa hồng, đây là mô hình đa cấp biến tướng mà các nhà đầu tư cần nhận diện và nâng cao cảnh giác.

"Bên cạnh đó, những tổ chức này thường xuyên mở các khóa học dạy làm giàu, khai trương, tổ chức hội nghị quy mô lớn nhằm phô trương thanh thế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tại đây, nhiều nhà môi giới sẽ có nhiều hoạt động môi giới như nhảy nhót, hô hào khẩu hiệu nhằm kích thích tâm lý của người tham gia", ông Tuấn nhấn mạnh.

Có thể thấy, hoạt động kinh doanh đa cấp đang biến tướng rất tinh vi và phức tạp, đứng trước những cám dỗ về lợi nhuận khủng, lời mời gọi "không làm mà vẫn có ăn", nhà đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng, tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, thông tin thị tường từ nhiều nguồn tin cậy. Đồng thời, luôn đề cao cảnh giác, lựa chọn các kênh đầu tư chính thống để rót tiền. Có như vậy, năm 2021 mới có thể bớt đi những mô hình lừa đảo, tránh được cảnh "tiền mất, tật mang".

Ý kiến của bạn