Đã có hơn 108,1 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được đối chiếu sinh trắc học
Tính đến hết ngày 11/4/2025, toàn ngành ngân hàng đã có hơn 108,1 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VneID.
Thông tin trên được đưa ra tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo ngành Ngân hàng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), diễn ra ngày 23/4, tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngành Ngân hàng cũng đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện Đề án 06: NHNN đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an…, ban hành nhiều văn bản để triển khai, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 và thường xuyên chỉ đạo toàn ngành về việc triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, tài khoản VNeID… phục vụ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Tính đến hết ngày 11/4/2025, toàn ngành Ngân hàng đã có hơn 108,1 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VneID, trong đó: 60 TCTD đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy; 56 TCTD và 39 tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 32 TCTD và 15 tổ chức TGTT đang triển khai ứng dụng VneID trong đó có 18 đơn vị đã triển khai thực tế.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc của ngành Ngân hàng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 phải nghiên cứu sâu các nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN.
Đối với các đơn vị thuộc NHNN cần tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động, phổ biến đến từng cán bộ, nhân viên. Mỗi đơn vị phải quán triệt nâng cao nhận thức, thúc đẩy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, chủ động tham gia các hội thảo, tọa đàm về đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Đồng thời chủ động rà soát nhiệm vụ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình ứng dụng công nghệ, đảm bảo an toàn bảo mật và hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Tăng cường hợp tác quốc tế để cập nhật xu hướng công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia, tham gia các diễn đàn, mạng lưới về tài chính số, an toàn thông tin, và thử nghiệm các công nghệ hiện đại…
Đối với các TCTD và trung gian thanh toán, người đứng đầu ngành ngân hàng yêu cầu xây dựng và kết nối kho dữ liệu nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó cần hoàn thành việc đối chiếu, xác thực thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản thanh toán, ví điện tử hoặc người đại diện hợp pháp.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, giảm thiểu tối đa rủi ro phát sinh trong quá trình cung ứng dịch vụ ngân hàng số; Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên số; Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số theo quy định...
Huyền My (t/h)
Ngày 22/4, nền tảng dịch vụ du lịch trực tuyến toàn cầu Trip.com chính thức công bố Bảng xếp hạng Trip.Best toàn cầu năm 2025, vinh danh những điểm lưu trú, nhà hàng và điểm tham quan được yêu thích nhất trên thế giới. Trong đó, Việt Nam gây ấn tượng mạnh với 38 đại diện đến từ 11 tỉnh, thành phố trải dài khắp ba miền, góp mặt ở cả ba hạng mục chính.