Đã có quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp, gỗ Việt “tăng tốc” vào thị trường EU
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam, cùng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), sẽ là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu gỗ vào thị trường EU.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu (XK) lâm sản 8 tháng năm 2020 đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9% giá trị XK của ngành nông nghiệp.
Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc vẫn là thị trường XK gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam với tổng giá trị XK 7 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị XK lâm sản của Việt Nam.
Được biết, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.
Tuy nhiên, quan trọng nhất trong thực thi Hiệp định này là nội luật hóa các quy định. Việt Nam đã đề nghị không áp dụng trực tiếp Hiệp định mà thông qua việc ban hành bổ sung Nghị định quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), tập trung vào các nội dung như: Kiểm soát gỗ nhập khẩu, hệ thống phân loại tổ chức/doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu, đánh giá tính sẵn sàng của hệ thống VNTLAS, cấp phép FLEGT cho thị trường EU.
Ngày 1/9/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam với những quy định rất cụ thể.
Những lô hàng hợp pháp sẽ được cấp giấy FLEGT, và khi có giấy FLEGT, cánh cửa vào EU sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2020.
Việc ban hành Nghị định là một trong những bước nội luật hóa quan trọng các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT.
Nội dung chính của Hiệp định VPA/FLEGT là Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định khi xuất khẩu vào EU.
Điều này có nghĩa là giấy phép FLEGT sẽ thay thế hàng loạt giấy tờ mà hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang phải nộp cho nhà nhập khẩu EU để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) chia sẻ trên Báo Hải quan, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 cộng với EVFTA sẽ là hai lực đẩy mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi XK sang EU.
Thêm nữa, Nghị định 102 sẽ hoàn thiện quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam sẽ quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp, các ngành chức năng trong việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, giúp sản phẩm gỗ đáp ứng đầy đủ các điều kiện của thị trường khó tính như EU.
"Thị trường châu Âu rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tính minh bạch và thân thiện môi trường của sản phẩm. Thực thi VPA/FLEGT đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp, cộng với cơ hội từ EVFTA mang lại do ưu đãi thuế quan, tôi tin ngành gỗ sẽ có triển vọng ở thị trường EU. Các doanh nghiệp cũng nên ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, phấn đấu đưa trị giá xuất khẩu lâm sản đạt 12,5 tỷ USD trong năm 2020 và đạt 20 tỷ USD vào năm 2025..." - ông Điển nói.
Minh Đức“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.