Đã hoàn tất kết quả điều tra vụ chống bán phá giá đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô
Bộ Công Thương hoàn tất điều tra chống bán phá giá đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô. Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường lỏng HFCS nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đang được bán phá giá tại thị trường Việt Nam và có thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
Ngày 21 tháng 5 năm 2020, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ của một số công ty đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Căn cứ kết quả thẩm định Hồ sơ, ngày 29 tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT tiến hành điều tra vụ việc.
Trải qua hơn 15 tháng điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật về phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến các bên liên quan, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của sản phẩm HFCS nhập khẩu với ngành sản xuất trong nước và mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường lỏng HFCS nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đang được bán phá giá tại thị trường Việt Nam và có thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, tuy nhiên mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá của hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước chưa được thể hiện rõ ràng.
Do vậy, căn cứ quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam và Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bên liên quan (bao gồm đại diện ngành sản xuất trong nước), Bộ Công Thương quyết định chấm dứt điều tra vụ việc.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình nhập khẩu HFCS từ các nguồn vào Việt Nam để kịp thời có biện pháp phù hợp, theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước cũng như của người tiêu dùng.
Minh ĐăngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.