“Đà Nẵng cần thu hút những người đẳng cấp, kỹ năng cao đến sống, làm việc”

Đầu tư và Tiếp thị
02:34 PM 15/08/2023

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm để hiện thực khát vọng trở thành thành phố không chỉ đáng đến mà còn đáng sống mang tầm quốc tế, thu hút và giữ chân giới tinh hoa, người giàu, người tài.

Đà Nẵng vẫn được gọi là thành phố đáng sống của Việt Nam. Theo ông, đâu là những tiêu chí đặt ra đối với một thành phố đáng sống. Và Đà Nẵng đã đáp ứng những tiêu chí này thế nào?

“Đà Nẵng cần thu hút những người đẳng cấp, kỹ năng cao đến sống, làm việc” - Ảnh 1.

TS Võ Trí Thành: Mỗi người có cách hiểu khác nhau về nơi đáng sống. Lâu nay thông qua các cuộc bình chọn hay thông tin truyền thông có thể thấy, có nhiều tiêu chí đánh giá về nơi đáng sống.

Đầu tiên là lối sống. Theo xu thế hiện nay, nơi đáng sống phải đảm bảo các yếu tố: xanh, nhân văn, an toàn, cá tính hoá, cá thể hoá. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu trên thì chưa phải là nơi đáng sống.

Thứ hai là xu thế đô thị hoá. Mọi người thích sống ở đô thị vì lý do đơn giản: đô thị hóa tạo dựng được vốn xã hội, lúc đó mới có đầu tư, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, sản xuất hàng hóa dịch vụ tốt nhất. Nhất là, nơi đáng sống thì đô thị phải xanh, bền vững, thông minh, an toàn. Và mọi dịch vụ cung cấp cho đô thị đó phải là hệ sinh thái tốt bao gồm y tế, giáo dục, dịch vụ công (gồm cả dịch vụ tiện ích được tư nhân cung cấp).

Thứ ba là yếu tố bản sắc. Con người Đà Nẵng rất thân thiện, cởi mở, trung thực, tương trợ lẫn nhau - đó là nét văn hoá có thể cảm nhận được. Nếu thiếu đi bản sắc ấy thì không còn là thành phố đáng sống.

Thứ tư là yếu tố môi trường. Thành phố đáng sống có môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường làm việc thuận lợi không, có so sánh với quốc tế được không? Tại Đà Nẵng, chỉ số chuyển đổi số, chỉ số cải cách hành chính đều nằm ở top đầu so với cả nước, nhưng so với Dubai hay Singapore thì thế nào? Môi trường kinh doanh và làm việc đối với con người rất quan trọng, đó là yếu tố cần để thúc đẩy sự sáng tạo.

Thứ năm, nói tới “đáng sống” tức là giá trị phải được lan toả. Nếu thành phố đáng sống lan tỏa rộng ra được thì rất hay. Lan tỏa tạo ra ganh đua, cạnh tranh với các địa phương khác.

Đà Nẵng là thành phố giàu tiềm năng để hài hòa các yếu tố đáng đến - đáng sống. Nhưng để vươn tới một thành phố đáng sống tầm vóc quốc tế, theo ông Đà Nẵng cần làm gì?

TS Võ Trí Thành: Những nơi mà tôi đã đến được coi là nơi đáng sống, có thể nhắc đến Singapore, Thiên Tân, Tam Á, v.v.. So sánh có thể thấy Đà Nẵng có nhiều lợi thế: Bản sắc và tạo hoá của thiên nhiên. Đà Nẵng cũng đã có nhiều dấu ấn tích cực, như APEC 2017, nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng mang đến sức hấp dẫn mới mẻ cho những điểm đến vốn đã nổi danh như Sun World Ba Na Hills, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Cầu Vàng, Công viên Châu Á…

“Đà Nẵng cần thu hút những người đẳng cấp, kỹ năng cao đến sống, làm việc” - Ảnh 2.

Sun World Ba Na Hills - một trong những điểm đến “thương hiệu” của Đà Nẵng. Ảnh: Sun Group

Với Đà Nẵng, để đáng sống hơn nữa, đạt tới tầm vóc thành phố đáng sống mang tầm quốc tế, vẫn còn nhiều việc cần làm.

Thứ nhất, Đà Nẵng phải là cực tăng trưởng thu hút, lan toả của miền Trung và rộng ra là của cả đất nước. Lan toả không chỉ trong cách làm mà phải định vị được vị thế. Cách làm cụ thể phải gắn với khát vọng, cách huy động nguồn lực của xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân; cải cách phải mang tầm cỡ là nơi dám chơi, biết chơi tầm quốc tế.

Thứ hai, Đà Nẵng cần có cách đi khác. Ngoài việc đòi hỏi vị thế, cạnh tranh quốc tế thì cách huy động nguồn lực, định hướng phát triển đều phải gắn với quy hoạch. Trong quy hoạch, cần giữ được bản sắc riêng biệt của Đà Nẵng, khai thác tốt các thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên như sông, núi, rừng, biển. Đồng thời, phải có những không gian xứng tầm để làm nơi cư trú lâu dài cho lớp công dân mới kể trên.

Thứ ba, Đà Nẵng cần thu hút những người đẳng cấp, siêu giàu, chất lượng cao, kỹ năng cao đến sống, làm việc. Đấy là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá nơi đáng sống. Vì họ là những người tiên phong, bám xu thế, có những đòi hỏi cao và sức sáng tạo rất tốt.

Thứ tư, việc thu hút các “đại bàng” – tập đoàn kinh tế lớn là rất quan trọng. Bởi với bề dày kinh nghiệm đầu tư, các “đại bàng” này sẽ tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, cư dân từ trải nghiệm, vui chơi, giải trí đến an cư, kinh doanh lâu dài, v.v..

Đà Nẵng với nhiều lợi thế sẵn có cùng định hướng phát triển vươn tầm quốc tế trong tương lai đã và đang tiếp tục thu hút đông đảo công dân từ nhiều nơi, trong đó có nhiều quốc gia tới sinh sống, làm việc. Điều này sẽ mang đến những giá trị gì cho Đà Nẵng, thưa ông?

TS Võ Trí Thành: Thu hút người tài, người giàu và các “đại bàng” đến đầu tư là cách để Đà Nẵng sớm trở thành Singapore thứ hai của châu Á.

“Đà Nẵng cần thu hút những người đẳng cấp, kỹ năng cao đến sống, làm việc” - Ảnh 3.

Đà Nẵng có nhiều lợi thế để trở thành “Singapore thứ hai” của châu Á. Ảnh: Sun Group

Một đô thị đáng sống không nhất thiết chỉ có người giàu, mà nó phải phát triển bền vững. Người dân ở đó phải được hưởng thành quả và hạnh phúc. Tuy nhiên một điểm rất quan trọng chứng minh thành phố đó có thực sự đáng sống, có so sánh được với các đối thủ quốc tế hay không, đó là khả năng thu hút giới tinh hoa, người giàu, doanh nhân…

Muốn làm được điều đó, thành phố phải đáp ứng được những xu thế sống mới: xanh, nhân văn, an toàn, có khả năng chống chịu trước những sự cố có thể xảy ra và giải quyết một cách tốt và nhanh nhất. Đặc biệt, với giới tinh hoa, trong đó có giới siêu giàu, thành phố đáng sống phải có hệ sinh thái đảm bảo cho họ 3 điều. Thứ nhất là một cuộc sống tốt nhất, tiếp cận dịch vụ đẳng cấp từ giáo dục, y tế, giải trí, nghỉ ngơi để sống và làm việc. Thứ hai là môi trường kinh doanh phải thuận lợi, để người ta mang tiền về đây đầu tư và chi tiêu. Thứ ba là không gian để người ta thỏa chí sáng tạo.

Vậy làm thế nào để Đà Nẵng tạo được sự khác biệt, tăng thêm sức hấp dẫn để thu hút người tài, người giàu đến đây làm việc, cống hiến lâu dài?

TS Võ Trí Thành: Sự khác biệt của Đà Nẵng trong câu chuyện thu hút người tài, người giỏi, người có tiền xuất phát từ hai điểm: 

Khác biệt về con người và thiên nhiên, tạo hóa. Trước tiên, thiên nhiên tạo hoá tạo ra sự khác biệt cho Đà Nẵng và con người đã tạo ra sự khác biệt gắn với các lợi thế, như công trình, bất động sản, dịch vụ vui chơi giải trí, giáo dục, y tế, v.v.. chất lượng. Đà Nẵng có lợi thế bờ biển đẹp, là nơi để làm việc, nghỉ ngơi với không khí trong lành. Nhưng như vậy chưa đủ mà con người tạo ra công trình, dịch vụ, sản phẩm, chất lượng cung ứng… và đó là khác biệt của Đà Nẵng.

Nếu Đà Nẵng là nơi đáng sống, đáng làm việc thì có thể sống 6 tháng, 8 tháng, 2 năm, 10 năm, thậm chí cả đời. Chính đặc thù từ tạo hoá và các công trình, sản phẩm chất lượng dịch vụ, v.v.. cộng với cách marketing, cách truyền thông của những người đã đến Đà Nẵng sẽ làm cho Đà Nẵng trở nên đáng sống hơn trong tiềm thức của mọi người. Do đó, Đà Nẵng phải tập trung vào câu chuyện truyền thông.

Không gì là không thể vì hiện nay, quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Sự phát triển của Đà Nẵng là tất yếu và quá trình này cần bắt nhịp với những xu thế mới, là xanh, thông minh, đáng sống, v.v..

“Đà Nẵng cần thu hút những người đẳng cấp, kỹ năng cao đến sống, làm việc” - Ảnh 4.

Đà Nẵng cần gia tăng sức hút để có thêm người tài, người giàu đến làm việc, định cư. Ảnh phối cảnh minh họa Sun Group.

Bên cạnh đáng đến, đáng sống, Đà Nẵng còn được đánh giá là thành phố đáng đầu tư. Quan điểm của ông ra sao?

TS Võ Trí Thành: Bản thân Đà Nẵng đã có những tiềm năng, hữu xạ tự nhiên hương. Người ta quan tâm đến Đà Nẵng vì thấy đây là nơi có thể kinh doanh tốt, đầu tư tốt. 

Trước tiên, Đà Nẵng hãy là nơi đáng đến, đáng đầu tư của các “đại bàng”. Vì sự hiện diện của những tập đoàn lớn sẽ dẫn dắt thị trường đi theo xu hướng phát triển đẳng cấp, văn minh, hiện đại, đồng thời thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PV
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.