Đà Nẵng: Gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết
Tính đến cuối tháng 10, Đà Nẵng đã ghi nhận gần 7,6 ngàn ca mắc sốt xuất huyết. Số bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng đột biến khiến nhiều bệnh viện tại Đà Nẵng rơi vào tình trạng quá tải, ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh.
Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 10/2022, Đà Nẵng đã ghi nhận gần 7,6 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, trong khi con số này so với cùng kỳ năm ngoái chỉ là gần 400 ca.
Tại khu vực điều trị bệnh nhân được Bệnh viện Đà Nẵng thiết lập làm cơ sở 2 của Khoa Y học nhiệt đới, những ngày vừa qua, toàn bộ 45 giường ở đây trở thành khu điều trị cho các bệnh nhân sốt xuất huyết và hầu như luôn trong tình trạng không còn phòng trống, giường trống.
Trung bình mỗi ngày, khoa này tiếp nhận điều trị từ 30-40 bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue không chỉ ở Đà Nẵng mà còn từ tỉnh lân cận, trong đó chủ yếu là các ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo và nặng.
Thống kê trong 3 tháng trở lại đây, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 10, khoa điều trị cho khoảng 500 ca mắc, tăng khoảng 130-150% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tình trạng quá tải. Hiện bệnh viện có 2 cơ sở điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết và dự kiến sắp tới sẽ mở thêm cơ sở 3 với khoảng 50 giường bệnh, sẵn sàng nhân lực, thuốc men, chế phẩm máu để kịp thời đáp ứng nhu cầu điều trị nếu bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao.
Theo phân tích, sau chu kỳ 4-5 năm, dịch sốt xuất huyết gia tăng trở lại do hệ miễn dịch cơ thể của trẻ em bị suy giảm. Mặt khác, Đà Nẵng lại vừa trải qua cơn lũ lịch sử, hiện vẫn một số khu vực còn nước bị ứ đọng, tạo điều kiện cho muỗi phát sinh. Với việc người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa chủ động dọn vệ sinh nhà cửa, tiêu diệt lăng quăng, muỗi sau đợt mưa lũ vừa qua đã khiến cho tình hình thêm phức tạp.
Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp nhưng nhiều người dân vẫn không chú ý thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, phòng chống muỗi đốt. Bên cạnh đó là tâm lý chủ quan, tự điều trị tại nhà, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nặng. Do đó, rất cần sự chung tay của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Khi có các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết như: sốt cao, đau đầu, nhức mỏi thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.