Đà Nẵng: Hiệu quả từ Chương trình cảnh báo điện áp thấp tại điểm đấu nối cấp điện khách hàng

Doanh nghiệp
09:07 AM 30/07/2022

Nhằm đáp ứng chất lượng điện áp tại điểm đấu nối cấp điện khách hàng trên lưới điện hạ áp, đảm bảo giá trị điện áp nằm trong phạm vi quy định nhằm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định đến khách hàng sử dụng điện, Phòng Kỹ thuật (PC Đà Nẵng) phối hợp với Phòng Công nghệ thông tin và Điện lực Liên Chiểu triển khai xây dựng chương trình tiện ích cảnh báo điện áp thấp tại điểm đấu nối khách hàng sử dụng điện.

Chương trình là sự kết hợp giữa dữ liệu thông tin khách hàng trên chương trình thông tin hiện trường, dữ liệu đo đếm công tơ, chương trình đo xa IFC, RF Spider….; kết hợp thuật toán tìm đường và thông tin địa lý để tổ hợp, tự động đánh giá, phân tích và đưa ra thông tin đầy đủ, chính xác nhất về khách hàng thấp áp như: giá trị điện áp thấp, thời gian xảy ra, khoảng cách từ vị trí thấp áp đến đầu nguồn, so sánh giá trị áp thấp với giá trị tại đầu nguồn, liên kết dữ liệu qua thông tin hiện trường để biết chính xác vị trí thấp áp, phán đoán nguyên nhân điện áp thấp và đề xuất hướng xử lý cơ bản.

Hiệu quả từ Chương trình cảnh báo điện áp thấp tại điểm đấu nối cấp điện khách hàng - Ảnh 1.

Hình ảnh chương trình theo dõi thông tin khách hàng điện áp thấp

Trước đây, việc kiểm tra tình trạng vận hành, kiểm tra điện áp các nhánh rẽ hạ áp và điện áp cuối nguồn, kiểm tra các vị trí tiếp xúc xấu trên lưới điện hạ áp được thực hiện thủ công nên rất mất thời gian, nhân lực và không thể lọc hết các nguy cơ tiềm ẩn trên đường dây hạ áp và công tơ khách hàng gây mất an toàn, nguy hiểm cho người vận hành. Hơn nữa với lưới điện hạ áp hiện trạng, số lượng công tơ khách hàng được lắp đặt trên mỗi cột rất nhiều, đường dây hạ áp đi qua nhiều cung đường, vị trí khác nhau, đặc biệt là các ngõ hẻm, kiệt với khách hàng nằm sâu phía trong, gây khó khăn cho việc tìm kiếm, xử lý sự cố.

Bên cạnh đó, đối với công tác xử lý sự cố tại công tơ khách hàng (tại địa chỉ nhà khách hàng) chưa có một chương trình chưa hỗ trợ định vị tự động vị trí trụ đấu nối khách hàng khi bị sự cố, khoảng cách từ Trạm biến áp đến vị trị trụ bị sự cố, các thông tin liên quan đến sự cố để nhân viên vận hành có được thông tin tương đối đầy đủ về sự cố và tiếp cận nhanh nhất vị trí sự cố để xử lý.

Hiệu quả từ Chương trình cảnh báo điện áp thấp tại điểm đấu nối cấp điện khách hàng - Ảnh 2.

Hình ảnh ứng dụng theo dõi tình hình xử lý khách hàng thấp áp

Qua quá trình từ khi đưa vào sử dụng từ đầu năm đến nay, chương trình đã phát huy hiệu quả, trên cơ sở dữ liệu khách hàng thấp áp được gửi tin nhắn Eoffice chat hằng ngày, các đơn vị vào kiểm tra chương trình để xác định cơ bản nguyên nhân thấp áp và vị trí thấp áp, kết hợp kiểm tra thực tế, từ đó lập kế hoạch xử lý chính xác đúng thực chất vấn đề như giải pháp điều chỉnh áp đầu nguồn, xử lý các vị trí tiếp xúc điện xấu, dây dẫn bong tróc va quẹt vào tường, đường dây, hoặc giải pháp về tách lưới hạ áp, san tải từ các trạm lân cận để giảm bán kính cấp điện, kéo tăng cường dây hạ áp để chia tải… 

Nhờ đó, số lượng khách hàng xuất hiện tình trạng thấp áp đã được phát hiện và xử lý nhanh chóng, đặc biệt trong các Đợt cao điểm nắng nóng trong tháng 5, 6/2022 đã xuất hiện 755 khách hàng bị thấp áp ghi nhận trên chương trình, chủ yếu vào các khung giờ cao điểm sáng và cao điểm tối khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, các thiết bị khởi động đồng thời; các đơn vị đã triển khai xử lý kịp thởi cho khách hàng.

Chương trình với tên đề tài: "Ứng dụng thuật toán thông tin địa lý để phân tích cảnh báo khách hàng điện áp thấp" đã vinh dự được đạt giải khuyến khích Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ việt Nam năm 2021 và giải Nhì Hội thi sáng tạo Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 16.

Hiệu quả mà chương trình mang lại góp phần hỗ trợ các đơn vị tự động phát hiện được các vị trí đấu nối xảy ra tình trạng thấp áp trên lưới điện, qua đó giúp các đơn vị nhận định chính xác nguyên nhân và có giải pháp xử lý nhanh chóng, ngăn chặn được các nguy cơ mất an toàn lưới điện. Việc xử lý điện áp thấp góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng trong công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng và giảm tổn thất điện năng trên lưới điện hạ áp.

Trong thời gian đến, nhóm tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu, tối ưu hóa chương trình để phục vụ tốt hơn nữa trong công tác quản lý vận hành và công tác kinh doanh điện năng tại công ty.

Phùng Sơn - Minh Tấn
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.