Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn

Địa phương
12:07 PM 27/01/2024

Ngày 26/1, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa đơn vị với Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu (SUN Edu) và Trường Đại học Duy Tân.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng chương trình "Gặp gỡ Đà Nẵng - Meet Da Nang" năm 2024, do UBND TP Đà Nẵng tổ chức từ ngày 25/1 - 27/1.

Tham dự lễ ký thỏa thuận, có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh; Trưởng ban DHPIZ Vũ Quang Hùng; Anh hùng Lao động - Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng ủy, Trường Đại học Duy Tân; Chủ tịch SUN Edu Trương Công Minh Hiển; Tổng Giám đốc SUN Edu Lưu Huê Tiến; ông Choo Han - Giám đốc kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Cadence, và đại diện các sở, ban ngành của TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn- Ảnh 1.

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ ký hợp tác đào tạo thiết kế VMBD tại Đà Nẵng

Ngoài ra, còn có sự tham dự của ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM; ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc NIC; GS.TS Đặng Lương Mô - Cố vấn cấp cao Quốc gia về VMBD và các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Ban Tổ chức cho biết lễ ký kết khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên và là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn; góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực đang thiếu hụt ở lĩnh vực này cho TP Đà Nẵng trong tương lai; thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư lớn vào Đà Nẵng.

Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi lễ

Theo bản ghi nhớ hợp tác (MOU), giữa 3 bên cùng hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế VMBD cho Đà Nẵng, nhằm tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế VMBD để đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế VMBD trong thời gian tới cho Đà Nẵng.

Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn- Ảnh 3.

Đại biểu chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác đào tạo thiết kế VMBD giữa DHPIZA với SUN Edu và Trường ĐH Duy Tân

Ngoài ra, trong MOU còn tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho đối tượng là giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về thiết kế VMBD tại Đà Nẵng; tổng hợp, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo, đồng thời tham mưu đề xuất UBND TP Đà Nẵng triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về VMBD một cách hiệu quả, chất lượng.

Tại lễ ký thỏa thuận giữa 3 bên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trong khuôn chương trình "Gặp gỡ Đà Nẵng - Meet Da Nang" năm 2024 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức từ ngày 25/1 - 27/1, TP tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn như buổi ra mắt Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng; toạ đàm Đà Nẵng và chính sách phát triển vi mạch, trí tuệ nhân tạo; và lễ ký thỏa thuận hợp tác đào tạo thiết kế VMBD tại DHPIZA.

Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn- Ảnh 4.

Đại diện NIC trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Trường ĐH Duy Tân

Ông Lê Trung Chinh cho rằng, bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao vô cùng phức tạp, tinh vi. Các công đoạn trong sản xuất vi mạch gói gọn trong ba khâu chính: thiết kế; chế tạo; lắp ráp, kiểm tra, đóng gói. Trong đó, mảng thiết kế và lắp ráp, kiểm tra, đóng góp có chi phí thấp hơn so với khâu chế tạo (vốn đầu tư ban đầu rất lớn, vượt quá khả năng, trình độ KH&CN của Việt Nam). Việc tham gia 2/3 khâu nói trên được xác định là cơ hội và tương lai cho Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Do đó, một trong các giải pháp hàng đầu để phát triển ngành VMBD là sớm phát triển nguồn nhân lực chuyên môn về thiết kế, nhất là nguồn nhân lực trong nước có trình độ cao, ổn định, để xây dựng và thu hút các công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đến hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng.

"Tôi tin tưởng các nội dung thoả thuận là một bước tiến quan trọng góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực thiết kế VMBD cho Đà Nẵng trong tương lai; thúc đẩy hiệu quả việc thu hút các dự án đầu tư lớn, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đà Nẵng cũng như trên cả nước. Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện để cụ thể hoá các nội dung thoả thuận đã ký, đề nghị DHPIZA cùng với Trường ĐH Duy Tân và SUN Edu phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định, góp phần xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án phát triển VMBD tại Đà Nẵng", ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ năm 2010, Bộ KH&CN được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức triển khai chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, trong đó sản phẩm vi mạch điện tử đã được xác định là sản phẩm quốc gia cần đầu tư phát triển. Đến nay Bộ KH&CN đang trình Chính phủ tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển vi mạch điện tử trong chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã thực hiện nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, tăng cường năng lực đội ngũ nghiên cứu/cán bộ kỹ thuật của Việt Nam và đã từng bước làm chủ được một số công nghệ trong ngành VMBD. Tuy vậy, Bộ KH&CN nhận thấy một trong những cản trở lớn nhất với Việt Nam để phát triển công nghiệp VMBD là chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, Bộ KH&CN hoan nghênh việc ký hợp tác đào tạo thiết kế VMBD giữa DHPIZA với SUN Edu và Trường ĐH Duy Tân.

"Về phía Bộ KH&CN, sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP Đà Nẵng trong phát triển công nghiệp VMBD thông qua việc triển khai sản phẩm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi tin tưởng hoạt động hợp tác giữa 3 bên sẽ mang lại nhiều lợi ích chung cho Đà Nẵng và đất nước", Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt nói.

DHPIZA là cơ quan trực thuộc UBND TP TP Đà Nẵng, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp tại Đà Nẵng.

Trường ĐH Duy Tân là trường tư thục, đào tạo đa bậc, đa ngành, đa lĩnh vực tại Đà Nẵng. Trường có 7 trường đào tạo thành viên và 1 viện đào tạo. Với sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu gắn liền với KH&CN nhằm tạo ra những thế hệ có lòng yêu nước, có trách nhiệm với cộng đồng, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo để trở thành công dân khởi nghiệp toàn cầu. Trường ĐH Duy Tân là một trường ĐH có nguồn giảng viên với trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại đảm bảo phục vụ cho công tác đào tạo nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực VMBD.

Tại buổi lễ, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC) thuộc Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư cũng trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Trường ĐH Duy Tân.

LH
Ý kiến của bạn