Đà Nẵng: Phấn đấu đạt gần 12 triệu lượt khách lưu trú trong năm 2025
UBND TP. Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về việc thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trên địa bàn thành phố.
Đà Nẵng phất đấu đạt gần 12 triệu lượt khách lưu trú trong năm 2025
Kế hoạch đặt mục tiêu trong năm 2025 khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 11,9 triệu lượt, tăng 10% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,8 triệu lượt, tăng hơn 17%, khách nội địa ước đạt hơn 7,1 triệu lượt, tăng hơn 5%. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2025 đạt hơn 36 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 15% so với năm 2024.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chủ động triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo. Triển khai Kế hoạch xúc tiến truyền thông năm 2025, trong đó tập trung đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở trong và ngoài nước; định vị thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Phát huy vai trò của phương tiện truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước.
Tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu Enjoy Đà Nẵng - Đa trải nghiệm. Liên kết chuỗi cung ứng để tạo sản phẩm kích cầu đảm bảo tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa. Nghiên cứu tham mưu và ban hành chính sách thí điểm, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút khách đến Đà Nẵng; chính sách thu hút khách tham gia hoạt động du lịch giáo dục đến Đà Nẵng...
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; theo dõi, tổng hợp tình hình tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án động lực, trọng điểm giúp khơi thông nguồn lực sớm đầu tư, tạo sản phẩm dịch vụ du lịch mới, bao gồm: điểu chỉnh Dự án Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí Đông Nam Đài tưởng niệm (Asia Park); dự án Dòng sông ánh sáng và Bến thủy nội địa; các dự án đầu tư công để hỗ trợ phát triển du lịch: đầu tư cảnh quan 2 bên bờ sông Hàn; dự án Đầu tư cải tạo cảnh quan, tạo một số điểm nhấn khu vực vỉa hè và bãi cát tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; dự án đầu tư, bổ sung cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan, tiện ích công cộng phục vụ quản lý, khai thác du lịch ven biển tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Thành Điện Hải, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ), Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn...

Đà Nẵng sẽ thu hút du khách thông qua sự kiện như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2025
Tổ chức hiệu quả các sự kiện, lễ hội thu hút khách tại Đà Nẵng, đồng thời mở rộng kết nối triển khai các sự kiện tại Quảng Nam: Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Liên hoan phim châu Á lần thứ III; Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng; khai trương mùa du lịch biển; Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản; Lễ hội Việt Nam - Hàn Quốc; cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam; SPRINT và IRONKID; lễ hội lân sư rồng quốc tế; lễ hội Đón Giáng sinh - Chào Năm mới 2026; Ngày hội Du lịch Đà Nẵng năm 2025; Horecfex 2025, Festival Hội An cảm xúc ngày hè; Festival Cổ Cò; Festival Mỳ Quảng; lễ hội đèn lồng quốc tể Hội An…
Tham mưu các giải pháp để sớm triển khai, hoàn thành, đưa vào hoạt động các sản phẩm du lịch mới, tập trung vào: du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch MICE, du lịch âm thực, du lịch golf, du lịch cưới, du lịch đường thủy và du lịch ban đêm. Khuyến khích đa dạng các loại hỉnh du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch chăm sóc sức khỏe.
Triển khai các sản phẩm du lịch mang tính liên kết 3 địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam về ẩm thực, văn hóa, sinh thái... Thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tiêu dùng du lịch gắn với "xuất khẩu tại chỗ" các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp của Đà Nẵng. Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí Văn hóa du lịch "Da Nang Smile". Xây dựng, nghiên cứu triển khai áp dụng Bộ tiêu chí "Chất lượng cao" trong hoạt động/dịch vụ phục vụ du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình tọa đàm, tập huấn kỹ năng nghề, chia sẻ kinh nghiệm, xử lý tình huống phục vụ khách, chăm sóc khách hàng, chuyển đổi số, tổ chức sản phẩm du lịch mới (ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, Halal, Ấn Độ - Hindu...).
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, khai thác khách như: triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; thuyết minh thông qua mã QRCode tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố; xây dựng các chương trình tour du lịch ứng dụng công nghệ; triển khai hoạt động checkin, quản lý khách lưu trú theo hình thức "không tiếp xúc".
Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh. Phổ biến, hướng dẫn ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt; hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.
Liên kết các doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không để khai thác nguồn khách 2 chiều, đảm bảo duy trì và phát triển các đường bay đang khai thác, xúc tiên đường bay mới (Osaka - Đà Nẵng, Dubai - Bangkok - Đà Nẵng, Manila - Đà Nẵng...). Xúc tiến khai thác thị trường khách đường biển, đường bộ, liên kết hình thành và tạo xu hướng du lịch trải nghiệm bằng tàu hỏa.
UBND thành phố cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố triển khai các nhiệm vụ theo đề nghị tại Kế hoạch này; chịu trách nhiệm và đảm bảo chất lượng, an ninh, an toàn các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách, tổ chức hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Chủ động đầu tư, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch, sự kiện, hoạt động... để phục vụ khách; tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của thành phố...
Nguyễn Tuấn
Giá xăng trong nước ngày mai (22/5) có khả năng tăng lần thứ hai liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng dự kiến tăng khoảng 100-150 đồng/lít, trong khi đó, dầu diesel có thể giảm 150-200 đồng/lít.