Đà Nẵng phong tỏa 3 bệnh viện, và thực hiện giãn cách xã hội 6 quận

Sức khỏe
07:30 PM 27/07/2020

Từ 0 giờ ngày 28/7/2020 trong vòng 15 ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Đồng thời, cũng từ thời điểm này, UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

    Ảnh minh họa

    Đây là một trong những nội dung trong công văn của UBND TP Đà Nẵng về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 trong tình hình mới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 27/7/2020.

    Theo đó, người dân tại địa bàn nói trên được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, phải đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận, huyện; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. 

    Đà Nẵng cũng bắt đầu tạm dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn TP Đà Nẵng; dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách xe Taxi, xe Hợp đồng, xe Du lịch, xe Điện thí điểm và vận tải thủy nội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; dừng toàn bộ hoạt động xe buýt nội thành trên địa bàn thành phố và các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề; dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách thủy nội địa trên địa bàn TP Đà Nẵng.

    Phong tỏa khu vực các tuyến đường: Đường Quang Trung (từ nút giao Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung tới nút Đống Đa - Quang Trung); đường Hải Phòng (từ nút giao Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Hải Phòng - Ông Ích Khiêm); đoạn đường Ông Ích Khiêm (nút Ông Ích Khiêm - Hải Phòng đến nút Ông Ích Khiêm - Đống Đa) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ nút giao Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Nguyễn Thị Minh Khai - Hải Phòng). Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

    Các loại hình được phép mở cửa như: khám chữa bệnh; bán thuốc và vật tư y tế; chất đốt; ngân hàng; bưu chính viễn thông; công chứng; cấp điện, cấp nước; hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất. Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Đối với việc cung cấp thức ăn chế biến sẵn: Cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, các bếp ăn tập thể hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công tác phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm; các cửa hàng ăn uống chỉ được bán qua mạng hoặc bán mang đi, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. 

     

    Ngọc Kha
    Ý kiến của bạn
    Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

    Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.