Đà Nẵng: Quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ trở thành Trung tâm tài chính
Với điểm nhấn không chỉ có các hoạt động tài chính, dịch vụ vui chơi giải trí có thưởng (casino) mà còn liên kết với các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, thương mại đẳng cấp… Nếu xây dựng thành công, Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ trở thành cực kết nối và lan tỏa tài chính của miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam.
Gần 26 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước, trong đó xác định mục tiêu: "Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin…". Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các định hướng đã được xác định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Điều kiện tiên quyết để xây dựng trung tâm tài chính
Để xây dựng và phát triển trung tâm tài chính, điều kiện đầu tiên là cần có hàng hóa tài chính. Tiếp đó là phải có lực lượng các định chế tài chính mạnh. Định chế tài chính ở đây chính là các công ty tài chính, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các thể nhân tài chính… và điều kiện cuối cùng đó là thị trường tài chính.
Để xây dựng các định chế tài chính, đầu tiên là phát triển các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, sau đó là sàn giao dịch ngoại hối, sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch vàng. Tiêu chuẩn tiếp theo là cơ sở hạ tầng cần rộng, độc lập. Cơ sở hạ tầng là hệ thống thanh toán hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ; cần số hóa toàn bộ trung tâm tài chính.
Từ những yêu cầu trên và điều kiện về hạ tầng đô thị, vị trí địa lý, chất lượng môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, có thể khẳng định, Đà Nẵng hội tụ những yếu tố để xây dựng thành công một trung tâm tài chính.
Lợi thế lớn nhất của Đà Nẵng là thị trường, nhất là thị trường khách du lịch và tiềm năng tăng dân số trong tương lai khi hạ tầng đáp ứng được nhu cầu sống. Lượng người tại Đà Nẵng chưa đông, nhưng lượng khách du lịch đến lưu trú rất đông. Đây có thể được coi là điều kiện trước tiên để phát triển trung tâm tài chính. Đà Nẵng vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực thu hút khách du lịch để dần thay đổi cục diện phát triển trong hơn một thập kỷ qua. Những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam dẫn dắt phát triển như Sun Group, Vin Group... đều có mặt tại Đà Nẵng với nhiều công trình đẳng cấp quốc tế...
Đây vừa là cơ sở quan trọng để có thể xây dựng thành công trung tâm tài chính tại Đà Nẵng; đồng thời, là thách thức mà Đà Nẵng cần phải xử lý để có thể đạt được mục tiêu và khát vọng đã để ra.
Cần thu hút được dân từ các vùng khác về đây sinh sống và làm việc. Muốn vậy, Đà Nẵng cần xây dựng nhiều hơn những khu đô thị kiểu mẫu theo những chuẩn mực quy hoạch và quản lý bài bản, hiện đại để thu hút giới tinh hoa, tầng lớp trung lưu đến và làm việc tại Đà Nẵng. Ngoài ra, có thể sử dụng công nghệ để kết nối một vùng rộng lớn từ tâm của trung tâm tài chính.
Làm thế nào để xây dựng trung tâm tài chính một cách hiệu quả?
Để trở thành một trung tâm tài chính đúng chuẩn, trước tiên, Đà Nẵng cần mạnh dạn hơn để đầu tư và phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng tốt, giá cho thuê rẻ, đào tạo cán bộ chuẩn thì sẽ có nhiều định chế tài chính nở rộ và tập trung. Phải có một khu đất rộng phục vụ cho hạ tầng của trung tâm tài chính, giao cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng cho thuê.
Trong đề án xây dựng trung tâm tài chính Đà Nẵng trình Trung ương, mục tiêu hướng đến là thúc đẩy phát triển tài chính cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hỗ trợ hoạt động tài chính đầu tư trong khu vực hành lang kinh tế Đông Tây và một số quốc gia khác trong khu vực.
Định hướng và mục tiêu của khu vực miền Trung là phát triển công nghiệp và du lịch lớn nhất Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, việc đặt trung tâm tài chính tại Đà Nẵng là hợp lý. Trung tâm tài chính phải gắn với doanh nghiệp vì doanh nghiệp là đối tượng chính sử dụng dịch vụ tài chính.
Điểm khác biệt lớn của Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh khi xây dựng trung tâm tài chính, đó là Đà Nẵng có lợi thế kết hợp với các hoạt động dịch vụ tiện ích khác như nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí, tạo điểm nhấn khác biệt cho du khách và nhà đầu tư quốc tế. Đà Nẵng dựa trên lợi thế cạnh tranh về mặt du lịch và nghỉ dưỡng kết hợp với các định chế tài chính quốc tế, từ đó tạo ra sự liên kết và thị trường rất phong phú, đa dạng. Qua đó phát huy thế mạnh của Đà Nẵng; đồng thời tạo điểm nhấn và lan tỏa sự phát triển đến vùng du lịch miền Trung, góp phần quảng bá hình ảnh của khu vực với cộng đồng du lịch quốc tế.
Đà Nẵng có thể xây dựng trung tâm tài chính theo hướng hệ sinh thái tài chính công nghiệp, nghỉ dưỡng, hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Để có thể xây dựng hạ tầng cho việc phát triển trung tâm tài chính của Đà Nẵng thì nên mạnh dạn hơn trong việc giao cho doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển các dự án trọng điểm.
Cần có chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược, từ chính sách miễn giảm thuế đến tiền thuê đất trong dài hạn. Cần giao đất sạch cho doanh nghiệp, quá trình đền bù giải phóng mặt bằng đơn giản, quy hoạch rõ ràng để các dự án được triển khai nhanh, tiết kiệm. Có như vậy, mới tập hợp được nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân.
Đà Nẵng cần phát triển một vài trung tâm thương mại lớn, để triển lãm, tạo nên sàn giao dịch hàng hóa, trải nghiệm đầy đủ nhu cầu của con người, kết hợp với các khu du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời, cần có cả dịch vụ truyền thông, marketing...
Khi làm được những điều này, tin chắc rằng Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm tài chính hàng đầu của khu vực và hướng đến tầm nhìn toàn cầu.
Phùng SơnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.