Đà Nẵng: Sẽ tính KPI cho từng cán bộ để đánh giá công việc
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho hay, sắp tới sẽ tính KPI cho từng cán bộ để đánh giá công việc, không đảm bảo là cứ sáu tháng, một năm phân loại, thay thế.
Sáng 4/7, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp với Sở Tài chính về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Tại cuộc họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực, trọng điểm, trong đó Sở Tài chính giữ vai trò nòng cốt.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết làm việc với Sở Tài chính. Ảnh: Việt An
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công trước ngày 15/7. Theo ông, hội nghị quan trọng này nhằm thống nhất quan điểm trước khi Thành ủy tổ chức hội nghị chuyên đề và HĐND TP xem xét tại kỳ họp sắp tới.
Ông Triết đánh giá, tỷ lệ giải ngân của Quảng Nam (cũ) đạt khoảng 34%, trong khi Đà Nẵng (cũ) chỉ đạt 30%. “Với tình hình này, nếu đến cuối năm đạt được khoảng 80% thì đã là kết quả rất tốt. Còn hứa kết quả giải ngân 100% thì có lẽ là 'đang mơ'. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế để có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn”, ông lưu ý.
Về các vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ, ông Triết cho rằng phải chỉ rõ những điểm cụ thể như giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, khoáng sản, quy trình thủ tục, giải ngân vốn ODA... "Mấu chốt vẫn nằm ở năng lực và sự vào cuộc thực chất của đội ngũ cán bộ. Nơi nào cán bộ thực sự vào cuộc thì tiến độ sẽ nhanh, còn nơi nào lơ là thì chắc chắn sẽ chậm" - ông Triết nhấn mạnh.
Về trách nhiệm cụ thể, ông Triết yêu cầu phải giao tiến độ cụ thể cho từng dự án, từng ban quản lý. Các đơn vị phải cam kết tiến độ rõ ràng và định kỳ nửa tháng một lần báo cáo kết quả. Tiến độ và kết quả công việc phải gắn với trách nhiệm cá nhân, được lượng hóa bằng chỉ số KPI.
“Sắp tới tính KPI (chỉ số đo lường hiệu suất công việc), cán bộ không đảm bảo là cứ 6 tháng, 1 năm phân loại, thay thế. Cứ làm chắc chắn như thế, hỗ trợ anh em nhưng phải có kỷ luật, kỷ cương”, ông Triết nhấn mạnh.
Ông yêu cầu sớm triển khai hệ thống phần mềm đánh giá minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng tự đánh giá chủ quan, thiếu thực chất. Không thể để tình trạng "thương nhau mà đánh giá đẹp".
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công, ông Triết yêu cầu Sở Tài chính chú ý đến việc trang bị phương tiện phục vụ công vụ, đặc biệt là ô tô cho các xã, phường và cả cấp thành phố.
Đối với công tác quản lý tài sản công, ông Triết đề cập đến việc xử lý trụ sở dôi dư và yêu cầu phải có phương án xử lý cụ thể đối với các trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập. Hiện nay vẫn còn rất nhiều tài sản chưa được tính toán phương án sử dụng. Quảng Nam khi sáp nhập với Đà Nẵng có tới 2.670 cơ sở công sản, hiện chỉ sử dụng khoảng một nửa, còn lại là bỏ trống. Sở Tài chính phải hướng dẫn về mặt quản lý các tài sản công trong khi chờ xử lý.
Bên cạnh đó, theo ông Triết, Đà Nẵng phải đảm bảo nguồn lực để chi cho an sinh xã hội, sắp tới phải tập trung một số nguồn lực cho các xã vùng núi. Đồng thời phải thực hiện chương trình quốc gia về y tế, giáo dục miền núi. Ví dụ như việc hỗ trợ bữa ăn trưa cho tất cả học sinh miền núi, chính sách khuyến khích giáo viên, y bác sĩ đi miền núi cần nguồn lực rất lớn, Sở Tài chính cần tham mưu cho thành phố chủ động nguồn lực.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, Cục Thống kê dự báo năm 2025 Đà Nẵng tăng trưởng khoảng 9,4%, còn thiếu 0,6% để đạt được tăng trưởng hai con số. Kịch bản sắp tới tập trung vào đâu, công trình nào để ra được 0.6% này cần phải tính toán.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho hay, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn TP trong sáu tháng đầu năm phát triển ổn định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP, hướng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025.
Tổng sản phẩm GRDP giá so sánh trên địa bàn Đà Nẵng (cũ) tăng 11,03%, Quảng Nam (cũ) tăng 7,42%. Tính chung TP Đà Nẵng (mới) 6 tháng đầu năm ước tăng 9,4%. Cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng (mới) đạt: Dịch vụ 55,64%; công nghiệp và xây dựng 17,89%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 6,04% và thuế sản phẩm 6,9%.

6 tháng đầu năm 2025, ngành hàng rau quả gặp khó khăn, giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024.