Đà Nẵng: Thành lập 5 sở mới trực thuộc UBND thành phố
Sáng 20/2, tại Kỳ họp thứ 22, HĐND TP. Đà Nẵng khóa 10, các đại biểu HĐND thành phố đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thành lập 5 sở mới sau sáp nhập
Cụ thể, thành lập Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Sở Xây dựng. Sở Xây dựng mới sẽ gồm 10 phòng và 11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Thành lập Sở Tài chính trên cơ sở hợp nhất Sở Tài chính và Sở Kế hoạch & Đầu tư. Sở Tài chính mới có 11 phòng và 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Thành lập Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất giữa Sở Lao động, Thương binh & Xã hội và Sở Nội vụ. Cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ mới bao gồm 7 phòng, 2 ban và 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được thành lập từ sự hợp nhất giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Sở KH&CN, với tổ chức mới bao gồm 7 phòng và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất giữa Sở Tài nguyên & Môi trường và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Sở này sẽ có 6 phòng, 5 chi cục và 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trao quyết định cho các lãnh đạo sở mới
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ 22 biểu quyết thông qua. Các sở thành lập chính thức hoạt động từ ngày 1/3/2025.
Ngoài việc thành lập 5 sở mới, thành phố quyết định giữ nguyên hoạt động của 9 sở và ngành, bao gồm: Sở Y tế, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Ngoại vụ, Thanh tra thành phố và Văn phòng UBND thành phố.
Như vậy, sau khi sắp xếp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Đà Nẵng giảm 5 sở, còn 14 sở và cơ quan chuyên môn.
Cũng trong sáng 20/2, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị công bố thành lập tổ chức bộ máy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố. Đồng thời, công bố các quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị.
Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tài chính. Phó Giám đốc Sở được bổ nhiệm gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Thanh Hương, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Ánh, Hồ Ngọc Phương, Đặng Đình Đức, Phan Duy Anh.
Ông Nguyễn Hà Nam - Chánh Văn phòng UBND thành phố được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng. Các Phó Giám đốc Sở được bổ nhiệm gồm các ông: Trần Văn Hoàng, Đinh Thế Vinh, Lê Anh Tuấn, Võ Tấn Hà, Đặng Nam Sơn, Lương Thạch Vỹ.
Ông Phạm Nam Sơn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Phó giám đốc Sở được bổ nhiệm gồm các ông, bà: Nguyễn Hồng An, Đặng Quang Vinh, Võ Nguyên Chương, Trần Quốc Hùng, Vũ Thị Bích Hậu, Phan Văn Mỹ, Nguyễn Văn Lâm.
Ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Phó Giám đốc Sở được bổ nhiệm gồm các ông, bà: Dương Hoàng Văn Bản, Lê Thị Thục, Lê Sơn Phong, Trần Ngọc Thạch.
Ông Nguyễn Hữu Lợi - Giám đốc Sở Nội vụ được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ. Phó giám đốc Sở được bổ nhiệm gồm các ông, bà: Lê Phú Nguyện, Trần Trung Sơn, Hà Đức Hoài, Nguyễn Thế Tuân, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thành Nam.
Nguyễn Tuấn
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025, Việt Nam cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỷ đồng (khoảng 160 tỷ USD).