Đà Nẵng thực hiện giãn cách từ 12h ngày 22/7

Sự kiện
08:13 AM 22/07/2021

Trước tình hình có nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, ngày 21/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP. Đà Nẵng đã thống nhất đẩy mạnh thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn với việc bổ sung nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm khống chế đẩy lùi dịch bệnh.

Ngày 21/7, thành phố Đà Nẵng ghi nhận thêm 28 ca mắc COVID-19, trong đó có 12 ca cộng đồng. Thông tin từ Báo Chính phủ cho biết, TP. Đà Nẵng thống nhất tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, đề nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 12h ngày 22/7.

Theo đó, bắt đầu từ 12h ngày 22/7, người dân sẽ được yêu cầu ở nhà, chỉ ra khỏi nhà để đi làm việc tại các cơ quan, công sở nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện hoặc để mua các lương thực thực phẩm, thuốc men, khám chữa bệnh, cấp cứu nhưng phải giữ khoảng cách 2 mét khi giao tiếp; không được tập trung quá 2 người ngoài khu vực công sở, bệnh viện, nhà máy. Các hoạt động thể dục thể thao trong nhà, ngoài trời, kể cả việc đi bộ, đạp xe thể dục đều được yêu cầu tạm dừng.

Thành phố yêu cầu dừng tất cả các hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K".

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, khám chữa bệnh, mai táng… được hoạt động. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bảo đảm phương châm 3 tại chỗ. Các chợ hoạt động giãn cách, tiếp tục sử dụng thẻ đi chợ theo tần suất, tạm dừng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tại chợ, siêu thị.

Các cơ quan, công sở bố trí công chức, viên chức làm việc không quá 50% số người, tạm dừng các cuộc họp không cần thiết; đối với những cuộc họp cần thiết thì không quá 20 người và bố trí chỗ ngồi cách nhau trên 2 mét. Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng; dừng việc giao nhận hàng hóa như shipper, Grab, xe kinh doanh dưới 9 chỗ ngồi. Các gia đình không tổ chức sinh hoạt đông người như sinh nhật, tiệc tùng. Các đám tang không được kéo dài quá 48 tiếng đồng hồ, không được tập trung quá 20 người.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thống nhất các biện pháp này nhằm thực hiện việc giãn cách xã hội triệt để, mạnh mẽ hơn để sớm kiểm soát và chặt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. 4 phường đã thực hiện đã thực hiện Chỉ thị 16 trước đây thì nay tiếp tục thực hiện theo quy định mới này. Các khu phong tỏa tiếp tục thực hiện chặt chẽ "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

"Thành phố không thực hiện Chỉ thị 16 mà chỉ áp dụng thêm một số biện pháp mạnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Nếu thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tốt, thành phố sẽ sớm chuyển trạng thái nới lỏng dần các quy định trên địa bàn", ông Lê Trung Chinh cho biết.

Hàng hoá sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân 2- 3 tháng

Sản lượng trái cây, rau hành la ghim nhập về chợ Đầu mối Hòa Cường trung bình hơn 300 tấn/ngày, không có biến động. Tuy nhiên, trước ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 4 phường một bộ phận người dân đã mua sắm, tích trữ hàng hóa, dẫn đến một số loại hàng hóa thiết yếu bị thiếu hàng cục bộ. 

Giá một số mặt hàng tại các chợ tăng như: rau củ tăng 5-10%; trứng gà tăng 20-25% do các nhà cung ứng Đà Nẵng tăng cường cho các tỉnh phía nam.Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, đã cùng với các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tình hình thị trường trong đầu tháng 7 nhìn chung giữ mức ổn định. Lượng hàng hóa cung ứng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ vẫn dồi dào, phong phú, đa dạng, giá cả không có biến động, đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Bà Lê Thị Kim phương, Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, thị trường đã bình ổn trở lại, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, ổn định, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn Thành phố. Hệ thống các siêu thị, nhà phân phối đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 3-5 lần các chủng loại thực phẩm đủ cho nhu cầu tiêu dùng người dân trong toàn thành phố 2- 3 tháng.

Sở Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, không nên mua tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng nhằm tránh tạo sự đột biến trong mua sắm và gây ra tâm lý hoang mang không đáng có.

PV
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).