Đà Nẵng tiếp tục thí điểm mô hình hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm

Tin y tế
07:30 AM 05/12/2020

Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng ngày 3/12/2020 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu chỉ đạo: "Gần 90% nông sản thành phố tiêu thụ được nhập từ ngoại tỉnh nên việc thiết lập hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn không phải là sự lựa chọn mà là bắt buộc để bảo vệ sức khỏe người dân. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung, vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người tiêu dùng."

Đà Nẵng tiếp tục thí điểm mô hình hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Đà Nẵng tiếp tục thí điểm mô hình hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh phát biểu và trao tặng bằng khen của UBND thành phố cho 8 tập thể và 7 cá nhân có nhiềuđóng góp trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng được thành lập thí điểm trong 3 năm từ ngày 25/8/2017 theo Quyết định số 1268/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm hoạt động, Ban này đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn về quản lý thực phẩm. Ban đã trở thành đầu mối thống nhất tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị, và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố; xây dựng và thí điểm chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn với sự tham gia của các hợp tác xã, đơn vị sản xuất và các siêu thị, doanh nghiệp, đơn vị phân phối đầu ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh ghi nhận, trong 3 năm qua, Ban quản lý An toàn thực phẩm đã thể hiện được vai trò cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND thành phố giải quyết nhanh chóng và cơ bản, có hệ thống các vấn đề chủ yếu về An toàn thực phẩm; thực hiện hiệu quả hơn hoạt động thanh tra, giám sát, lấy mẫu, xử lý sự cố về thực phẩm và giải quyết thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh, mở rộng, chuyển đổi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chính cũng chỉ ra rằng: Hệ thống đảm bảo An toàn thực phẩm của thành phố vẫn còn một số điểm trọng yếu. Đó là, tỷ trọng thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn còn thấp. Phần lớn các cơ cở sản xuất, kinh doanh là hộ gia đình nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm. Để giải quyết các vấn đề này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong toàn bộ chuỗi thực phẩm mà các thành viên trong chuỗi đã thiết lập truy xuất nguồn gốc nội bộ, đối với các chuỗi cung ứng mà các thành viên chưa liên kết lại với nhau thì tiến hành thiết lập truy xuất nguồn gốc đối với từng giai đoạn. Đầu tiên, thiết lập truy xuất nguồn gốc từ cơ sở thu gom ở tỉnh bạn đến cơ sở kinh doanh ở các chợ đầu mối, lò giết mổ. Sau đó, mở rộng sang giai đoạn sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt) và giai đoạn bán lẻ đến người tiêu dùng. Phân tầng được các cơ sở chấp hành tốt các quy định về đảm bảo An toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về thuộc tính của hàng hóa, dịch vụ để quyết định đúng hơn trong tiêu dùng. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở duy trì và nâng cao các điều kiện đảm bảo An toàn thực phẩm; thực hiện với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sau đó mở rộng ra các loại hình khác." - Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm ra đời phần nào khắc phục được những hạn chế về phối hợp giữa các sở, ngành, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin về an toàn thực phẩm nhanh chóng hơn do giảm được thời gian phát hành văn bản phối hợp qua lại giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Do đó, tại hội nghị tổng kết, UBND thành phố Đà Nẵng đã công bố quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng; theo đó, quyết định kéo dài thời gian hoạt động của Ban này trong thời gian 3 năm nữa kể từ ngày 26/8/2020.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng đã thanh tra, kiểm tra 1.104 cơ sở, phát hiện 28 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 400 triệu đồng. Công tác an toàn thực phẩm trong cao điểm Đà Nẵng phòng chống dịch COVID-19 cũng như các dịp lễ tết …được đảm bảo.

Đà Nẵng tiếp tục thí điểm mô hình hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm - Ảnh 3.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng kiểm soát chặt chẽ thực phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Trước tình hình dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp với các sở ngành và địa phương thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong lĩnh vực kinh doanh này. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm đông lạnh từ các nước có dịch để chủ động ngăn chặn nguồn lây nhiễm COVID-19.

Hiện nay, bình quân mỗi quận huyện quản lý 3.000 cơ sở, chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh tại chợ, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều mối nguy về thực phẩm. Vụ ngộ độc khiến 80 người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ năm 2019, vụ 11 người nhập viện sau khi ăn bánh tráng trộn đường phố... cho thấy vai trò quan trọng của cấp quận huyện, xã phường trong việc đảm bảo An toàn thực phẩm cho nhân dân. Vì vậy, Phó Chủ tịch đề nghị UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát An toàn thực phẩm; trong đó chủ trọng các loại hình sản xuất thực phẩm, cung cấp tiệc lưu động, kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời, đầu tư kinh phí xây dựng chợ đảm bảo An toàn thực phẩm, xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong các tuyến đường xung quanh các chợ.

Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương thống kê danh sách các cơ sở thu gom ở các tỉnh cung ứng thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối Hòa Cường, cảng cá Thọ Quang, các lò giết mổ và phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm xây dựng cơ sở dữ liệu để triển khai thiết lập truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm nhập từ các tỉnh vào các chợ đầu mối, lò giết mổ. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm xây dựng lộ trình đảm bảo nguyên liệu cung cấp cho các trường học đều được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đồng thời, tiếp tục xây dựng khung chương trình giáo dục học đường về An toàn thực phẩm với các buổi tuyên truyền, các chuyến đi thực tế đến trang trại sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản công nghệ cao...

Nhân dịp này, UBND thành phố Đà Nẵng đã trao tặng bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo An toàn thực phẩm trên địa bàn.

PV
Từ khóa: ATTP
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.