Đà Nẵng: Xét nghiệm để sàng lọc COVID-19 trên địa bàn giai đoạn mới
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 để sàng lọc COVID-19 trên địa bàn thành phố trong giai đoạn mới.
- Be sắp tự triển khai xét nghiệm nhanh Covid-19 cho tài xế: Không cần xếp hàng chờ đợi, cho kết quả trực tuyến trong 15-30 phút
- TP.HCM: Từ ngày 24/9, doanh nghiệp quản lý shipper sẽ chủ động xét nghiệm COVID-19
- Tín đồ du lịch có thể đến Quảng Ninh nghỉ dưỡng từ tháng 11, miễn sao tiêm đủ 2 mũi vaccine và xét nghiệm PCR âm tính trong 48h
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP. Đà Nẵng cho biết, trong ngày 21/9, thành phố ghi nhận 15 ca mắc COVID-19, trong đó có 05 ca cách ly tập trung; 08 ca cách ly tạm thời tại nhà và 02 ca cộng đồng chưa xác định rõ nguồn lây. Như vậy, từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.624 ca mắc COVID-19.
Theo đó, UBND thành phố giao ngành y tế bắt đầu từ ngày 23/9 sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo nhóm đối tượng và tần suất, phương pháp xét nghiệm khác nhau.
Cụ thể, người trong khu vực phong tỏa sẽ được xét nghiệm 3 ngày/lần (ngày thứ 1, 4, 7 và 14 nếu ngày thứ 7 không phát hiện ca bệnh mới). Nếu 14 ngày liên tiếp không phát hiện ca F0 thì lấy mẫu gộp 10 RT-PCR theo hộ gia đình để giải phóng khu vực phong tỏa. Các địa phương đánh giá nguy cơ để thu hẹp hoặc mở rộng khu vực phong tỏa.
Người dân các khu vực ngoài phong tỏa sẽ được lấy mẫu xét nghiệm gộp 10 bằng RT-PCR. Cụ thể, bắt đầu từ 23/9 sẽ xét nghiệm 50% đại diện hộ gia đình (lấy 1 nhà bỏ 1 nhà) với tần suất 7 ngày/lần. Từ tháng 10 sẽ xét nghiệm 50% đại diện hộ gia đình (lấy 1 nhà bỏ 1 nhà) với tần suất 14 ngày/lần. Tháng 11 sẽ xét nghiệm tương tự nhưng với tần suất 1 tháng/lần.
Nhóm đối tượng nghi ngờ mắc COVID-19 (có triệu chứng ho, sốt, đau, rát họng, khó thở, mất vị giác…) sẽ được test nhanh và RT-PCR đơn. Theo đó, lấy mẫu test nhanh với trường hợp nghi ngờ và đối với tất cả người thân trong nhà. Nếu test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 thì xét nghiệm RT-PCR đơn đối với mọi người trong nhà.
Nhóm người làm nhiệm vụ có nguy cơ tiếp xúc với người nghi mắc COVID-19 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm bằng RT-PCR gộp. Theo đó, nhóm này sẽ được xét nghiệm trước khi làm nhiệm vụ (72 giờ). Trong thời gian tham gia công tác sẽ được lấy mẫu với tần suất 3 ngày/lần và được xét nghiệm bằng phương pháp gộp trước khi trở về đơn vị, địa phương.
Nhóm người làm việc trong siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, tạp hóa; doanh nghiệp cung ứng thực phẩm; người vận chuyển mặt hàng thiết yếu; người làm việc tại các vựa hàng hóa/ nông sản/ cảng cá sẽ được test nhanh hoặc RT-PCR gộp.
Theo đó, nhóm này sẽ được xét nghiệm trước khi quay trở lại làm việc (tối đa 72 giờ). Sau đó sẽ được xét nghiệm vào ngày thứ 4, thứ 7 và thứ 14 kể từ khi hoạt động. Sau các lần xét nghiệm nêu trên thì tổ chức xét nghiệm 50% số người tham gia hoạt động, sản xuất với tần suất 14 ngày/lần. Xét nghiệm 2 lần cách nhau 14 ngày. Những tháng sau xét nghiệm với tần suất 1 tháng/lần vào các ngày 15 hoặc 20 hàng tháng với tỷ lệ 50% như trên.
Các cơ sở, đơn vị có nhóm này hợp đồng với đơn vị y tế đủ điều kiện lấy mẫu, xét nghiệm, kinh phí tự chi trả; xây dựng kế hoạch xét nghiệm cụ thể để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, đôn đốc.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, khu công nghiệp: Doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động không nằm trong khu vực phong tỏa, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ít nhất 1 lần, trong đó lần gần nhất trong vòng 48 giờ trước khi quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp: Trong tháng đầu tiên thực hiện xét nghiệm COVID-19 tối thiểu 50% ở mỗi bộ phận làm việc, trong các nhóm nhân viên, người lao động có cùng nguy cơ lây nhiễm với tần suất 7 ngày/lần.
Tháng thứ 2 và những tháng tiếp theo nếu không phát hiện F0 thì tùy mức độ nguy cơ, xét nghiệm từ 30% đến 50% ở mỗi bộ phận làm việc, trong các nhóm nhân viên, người lao động có cùng nguy cơ lây nhiễm với tần suất 7 ngày/lần.
Đối với đơn vị cung cấp suất ăn và những doanh nghiệp thường xuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp: Người lao động của các đơn vị trên làm nhiệm vụ tại khu vực của doanh nghiệp, nơi ở của công nhân hoặc giao đồ ăn, hàng hóa đến doanh nghiệp phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 48 giờ trước khi doanh nghiệp hoạt động trở lại; định kỳ 1 lần/tuần phải xét nghiệm tầm soát COVID-19.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại sau khi tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 do có F0, F1, có dấu hiệu lây lan dịch tại đơn vị: Trong tháng đầu tiên thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với 100% người lao động làm việc (kể cả bộ phận quản lý, văn phòng, phục vụ, tạp vụ, bếp, vận chuyển, lao động thời vụ…) khi hoạt động trở lại, sau đó xét nghiệm vào ngày thứ 4, sau đó xét nghiệm mỗi lần cách nhau 7 ngày (khuyến cáo làm xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn, hoặc gộp 5 hoặc gộp 10).
Tháng thứ 2, nếu xét nghiệm trong tháng đầu tiên không phát hiện F0 nào, xét nghiệm ngẫu nhiên 2 lần đối với 50% lao động của cơ sở sản xuất kinh doanh, vào ngày thứ 15 và ngày thứ 30 kể từ ngày xét nghiệm cuối cùng của tháng đầu tiên hoạt động trở lại (mỗi bộ phận phải đảm bảo 50% người lao động được lấy mẫu xét nghiệm, kể cả bộ phận quản lý, văn phòng, phục vụ, tạp vụ, bếp, vận chuyển, lao động thời vụ…).
Những tháng tiếp theo nếu kết quả các tháng trước không phát hiện F0: Mỗi tháng xét nghiệm ngẫu nhiên 1 lần đối với 50% lao động của cơ sở sản xuất kinh doanh trước ngày 15 hàng tháng (mỗi bộ phận phải đảm bảo 50% người lao động được lấy mẫu xét nghiệm, kể cả bộ phận quản lý, văn phòng, phục vụ, tạp vụ, bếp vận chuyển, lao động thời vụ…).
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có F0, F1 thì xử lý như ổ dịch. Xác định F1 và F liên quan, tổ chức cách ly, xét nghiệm theo quy định. Trường hợp vừa sản xuất vừa cách ly thì xét nghiệm 3 ngày/lần toàn bộ người lao động; đảm bảo tuân thủ tuyệt đối quy định 5K và hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND thành phố, Sở Y tế trong quá trình cách ly, làm việc, sinh hoạt khi vừa sản xuất vừa cách ly.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh đánh giá mức nguy cơ lây nhiễm trung bình thì thực hiện xét nghiệm COVID-19 tối thiểu 50% ở mỗi bộ phận làm việc, trong các nhóm nhân viên, người lao động có cùng nguy cơ lây nhiễm với tần suất 7 ngày/lần.
Nếu mức độ nguy cơ lây nhiễm thấp thì mỗi tháng xét nghiệm ngẫu nhiên 50% lao động trước ngày 15 hàng tháng (mỗi bộ phận phải đảm bảo 50% người lao động được lấy mẫu xét nghiệm, kể cả bộ phận quản lý, văn phòng, phục vụ, tạp vụ, bếp vận chuyển, lao động thời vụ…).
Đối với lái xe, phụ xe, người thực hiện giao dịch nhận hàng; người từ địa phương khác đến thì test nhanh hoặc RT-PCR ngay tại chốt kiểm soát dịch và định kỳ 72 giờ xét nghiệm.
Đối với cơ sở y tế: Người bệnh, người nhà, đến khám, nhân viên y tế có dấu hiệu nghi ngờ (sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người…); người có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI) hoặc viêm phổi nặng nghi do nhiễm vi rút (SVP) hoặc hội chứng cúm (ILI); người bệnh nội trú, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ COVID-19; đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng thì xét nghiệm khi đến khám, khi có dấu hiệu mắc bệnh và được chỉ định xét nghiệm hoặc xét nghiệm theo diễn biến lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, người cung ứng dịch vụ tại bệnh viện như: giữ xe, căng tin, vệ sinh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xét nghiệm tần suất định kỳ 7 ngày/lần. Riêng cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, người cung ứng dịch vụ tại khu vực tiếp xúc, khoa điều trị, cách ly bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh, phòng khám sàng lọc, khoa hô hấp, khoa hồi sức, cấp cứu, ung bướu, tim mạch, chạy thận… các khu vực điều trị bệnh nhân nặng thì xét nghiệm 3 ngày/lần.
Đối với người bệnh đang được điều trị nội trú tổ chức thực hiện xét nghiệm theo định kỳ 7 ngày điều trị/lần. Trong trường hợp có ca mắc COVID-19 trong khu điều trị nội trú thì xét nghiệm ngay toàn bộ các đối tượng.
Đối với người nhà chăm sóc người bệnh được ở lại: trường hợp người bệnh điều trị nội trú dưới 7 ngày hoặc 3 ngày thì 1 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người nhà. Trường hợp người bệnh điều trị nội trú từ 7 ngày trở lên thì 2 lần xét nghiệm COVID-19 cho người nhà. Người bệnh sau khi khám ngoại trú cần chuyển vào điều trị nội trú cũng thực hiện xét nghiệm ngay sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú. Người bệnh chuyển tuyến phải thực hiện xét nghiệm trước khi chuyển tuyến.
Ngành y tế cần tập trung đẩy nhanh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại các địa phương đang có các ca bệnh. Việc lấy mẫu phải được thực hiện thần tốc, chính xác, đảm bảo an toàn nhằm sàng lọc, phát hiện sớm để khoanh vùng, xử lí và dập dịch kịp thời.
Phùng SơnSố liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.