Đà tăng của giá dầu chưa dừng lại, dầu WTI vượt 80 USD

Thị trường
12:49 PM 11/10/2021

Giá dầu tiếp tục kéo dài đà tăng của nhiều tuần nay trong bối cảnh nguồn cung của các nhà sản xuất lớn bị hạn chế trong khi nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng trong bối cảnh các nền kinh tế nỗ lực hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Giá dầu thô Brent sáng 11/10 theo giờ Việt Nam tăng 1% lên 83,20 USD/thùng, sau khi tăng gần 4% trong tuần qua.

Đáng chú ý, dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,15%, tương đương 1,5%, vượt ngưỡng 80 USD/thùng, sau khi tăng 4,6% trong tuần qua. Ở mức 80,87 USD/thùng hiện nay, giá dầu WTI đang cao nhất kể từ cuối năm 2014.

Cùng với các năng lượng khác, giá dầu tăng do ngày càng có nhiều người được tiêm chủng vacxin Covid-19, giúp các nền kinh tế dần mở cửa trở lại, hoạt động kinh tế theo đó sôi động lên, nhu cầu nhiên liệu gia tăng, đẩy giá dầu Brent tăng liên tiếp 5 tuần qua, còn dầu Mỹ tăng 7 tuần không nghỉ.

Nền kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt hơn so với các nền kinh tế còn lại trên thế giới, với mức tiêu thụ dầu của Mỹ đã trở lại bằng mức trước khi xảy ra đại dịch.

Giá than và khí đốt cũng tăng khi các nền kinh tế hồi phục, khiến cho giá dầu dù tăng nhưng vẫn hấp dẫn hơn (so với hai loại nhiên liệu còn lại) trong quá trình sản xuất điện, bổ sung áp lực tăng giá dầu thô. Các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, nhất là ở Châu Á, và những nhà tiêu thụ khí đốt khác đang chuyển sang sử dụng dầu.

Trong khi đó, nguồn cung dầu vẫn hạn hẹp. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC ) đã rất thận trọng trong việc bổ sung nguồn cung vì lo sợ về một đợt suy giảm giá dầu mới có thể xảy ra do những đợt Covid-19 rình rập sẵn sàng bùng phát trở lại. Trong kỳ họp mới nhất, OPEC vẫn quyết định nâng sản lượng dầu thô hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày như dự kiến từ trước, bất chấp sức ép từ một số nhà tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn.

Đà tăng của giá dầu chưa dừng lại, dầu WTI vượt 80 USD - Ảnh 1.

Mặt khác, sản lượng dầu của một số thành viên OPEC không đạt mức hạn ngạch phân bổ do thời gian dài không đầu tư cho hoạt động khai thác. Sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng chưa hồi phục đủ để trở lại mức của năm 2019 do đầu tư vào các giếng dầu mới bị chậm lại.

Carsten Fritsch, nhà phân tích hàng hóa của Commerzbank, cho biết: "Theo quan điểm nhu cầu nhiên liệu hiện đang mạnh mẽ, có khả năng giá dầu được thúc đẩy thêm nữa bởi việc chuyển đổi từ khí đốt sang dầu, cộng với chính sách hạn chế sản xuất của OPEC , thị trường dầu mỏ sẽ vẫn thắt chặt cho đến cuối năm".

Ngân hàng Commerzbank đã nâng dự báo giá dầu thô Brent trong quý hiện tại lên 85 USD/thùng so với dự báo trước đây là 75 USD, và nâng dự báo giá trong quý 1 năm 2022 từ 70 USD lên 75 USD/thùng.

Dan Eberhart, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu Canary Dan Eberhart, lập luận rằng nguồn cung bị hạn chế và các quy định gia tăng từ chính quyền Biden đối với ngành năng lượng góp phần tạo ra 'môi trường hoàn hảo cho giá dầu tăng thêm nữa, với dự đoán giá sẽ lên 100 USD/thùng.

Thậm chí JPMorgan cuối tuần qua dự báo giá dầu sẽ ở trong khoảng 150 - 200 USD/thùng trong tuần tới do sự kết hợp của "lạm phát xanh", hay sự chuyển dịch sang năng lượng sạch, các vấn đề chuỗi cung ứng do đại dịch và căng thẳng địa chính trị giữa OPEC , Nga và Iran.

Giá năng lượng hiện tại sẽ không "có tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế", JPMorgan cho biết, lưu ý rằng nền kinh tế và người tiêu dùng đã "hoạt động tốt" khi giá dầu trung bình là 100 USD/thùng trong giai đoạn 2010 đến 2015.

Theo các chuyên gia của ngân hàng này, giá dầu có thể đạt 130 đến 150 USD/thùng trước khi thị trường chứng khoán và nền kinh tế bắt đầu dao động. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ phải đạt 2,5% hoặc 3%, tăng 100-150 điểm cơ bản so với mức hiện tại, nếu cao hơn thế mới trở thành vấn đề.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Baker Hughes hôm 8/10 cho thấy số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp, tuần qua thêm 5 giàn lên 433, cho thấy sản lượng dầu của nước này sắp tăng nhanh trở lại. Cùng với việc dự trữ dầu ở Mỹ bắt đầu tăng trở lại, một số người cho rằng giá dầu có thể bắt đầu chững lại.

Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 2 tuần liên tiếp tính tới tuần vừa qua, do sản lượng tăng trở lại sau giai đoạn đóng cửa kéo dài vì các cơn bão.

Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa trưởng của Capital Economics, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng giá dầu thô sẽ khó tăng cao hơn nhiều trong quý này và vẫn dự báo chúng sẽ giảm dần trong năm tới".

Cũng liên quan đến nguồn cung tăng, Saudi Arabia đã đồng ý cung cấp thêm dầu thô cho ít nhất hai khách hàng ở Bắc Á trong tháng 11, đồng thời đáp ứng đủ khối lượng hợp đồng cho ba khách hàng khác, Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho hay.

Theo đó, Saudi Aramco - Công ty dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia - cho biết nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này đã cung cấp toàn bộ khối lượng dầu thô cho châu Á mặc dù hạn chế sản lượng để tuân thủ hiệp ước của OPEC .

Saudi Aramco cũng thông báo giảm giá dầu thô bán cho châu Á trong tháng 11, là tháng giảm thứ 2 liên tiếp, với mức giảm nhiều hơn một chút so với dự kiến - một dấu hiệu cho thấy họ muốn duy trì khả năng cạnh tranh khi các nhà sản xuất Trung Đông tăng sản lượng vào cuối năm. Một số người mua đã quyết định mua thêm dầu Saudi Arabia vì giá tháng 11 rất hấp dẫn.

Tham khảo: Foxbusiness, Reuters

Vũ Ngọc Diệp
Ý kiến của bạn