Đặc sắc làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ
Nằm ven bờ sông Nhuệ, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, làng khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), hiện ra yên bình với sức sống bền bỉ hàng nghìn năm.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dưới những đôi bàn tay khéo léo tài hoa của người dân làng Chuôn Ngọ, từng mảnh vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng, đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, mang niềm tự hào, tinh hoa của dân tộc Việt.
Ngay từ triều Lý, làng Chuôn Ngọ (xưa là Phường Ngọ), đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước với nghề khảm trai được truyền từ nhiều đời. Nghề khảm trai còn được biết tới với những tên gọi khác như khảm xà cừ hay cẩn xà cừ.
Từ những mảnh vỏ trai, vỏ ốc vô hồn, trải qua quá trình chế tác tỉ mỉ, khéo léo, nghệ nhân làng Chuôn Ngọ đã cho ra những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đẹp mắt.
Nghệ nhân Trần Bá Dinh, người đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” bật mí, nét nổi bật của tranh khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng và được gắn xuống gỗ rất khít. Chi tiết trang trí trên khảm trai rất sinh động, đặc sắc, đường nét sắc sảo, phối màu đẹp, rõ ràng và rất có hồn, khác hoàn toàn nơi khác.
Điều này có được là nhờ việc các nghệ nhân làng Chuôn Ngọ khi chế tác các chi tiết sẽ ghép nổi tạm thời như tranh hoàn chỉnh trên gỗ. Sau đó, thợ sẽ lấy bút chì vẽ đường viền của các chi tiết gắn tạm trên mặt gỗ, tiếp đến, thợ khắc sẽ khắc vỏ trai lõm xuống gỗ, phần khắc lõm sẽ được bôi keo, gắn các chi tiết vỏ trai.
Để có một sản phẩm khảm trai, nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn: từ vẽ mẫu, cắt theo họa tiết mẫu, dán miếng cắt đó vào gỗ và đục theo các họa tiết, đến dán miếng trai, dùng đá mài mài phẳng và dùng dao bằng thép tách tỉa ra các họa tiết nhỏ, dùng giấy ráp đánh cho nổi họa tiết lên. Cuối cùng toàn bộ sản phẩm sẽ được đánh vécni cho bóng lên để các họa tiết nổi lên sống động như một bức tranh.
Mỗi công đoạn, nghệ nhân đều phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Chỉ màu của người thợ thêu, thuốc vẽ, sơn màu là chất liệu của người họa sĩ, còn đối với người thợ khảm Chuôn Ngọ thì vỏ trai, vỏ ốc chính là chất liệu nghề nghiệp của họ.
Trước đây, người nghệ nhân Chuôn Ngọ thường khảm tranh theo các tích truyện Tam Quốc và các truyện cổ khác như: "Tam cố Thảo Lư", "Văn chương cầu hiền", hay theo mẫu ước lệ như: mai, thông, cúc, trúc, chim hoa, "tứ dân" cảnh - 4 người dân thời cổ. Ngày nay, đề tài khảm tranh đa dạng, phong phú hơn rất nhiều như các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước: Chùa Một Cột, Hạ Long, Huế, Sài Gòn.
Ngay ở các sản phẩm nương theo tích cổ, người thợ cũng không đơn thuần chép lại mà có sự sáng tạo để phản ánh cái mới. Cũ ở đây là tích cổ, chuyện xưa, mới ở đây là nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm, vì thế, ẩn chứa trong đó triết lý sống đã được chiêm nghiệm, đúc kết, lưu truyền qua bao đời. Người thợ, tuy chỉ làm trong xưởng, nhiều lúc tưởng như cô độc nhưng thực ra đang tương tác nhiều chiều với xưa, với nay, với nhiều đối tượng gián tiếp. Thực chất, đó là quá trình vừa làm, vừa học để sáng tạo không ngừng.
Đã có lúc, nghề khảm trai Chuôn Ngọ tưởng chừng như mai một bởi những thăng trầm của thời gian và biến cố của lịch sử, nhưng sức sống của một làng nghề truyền thống vẫn mãi bền vững với thời gian, để hôm nay người Hà Nội vẫn tự hào có một làng nghề tinh xảo, với những sản phẩm độc đáo mà hiếm nơi nào có được.
Những năm qua, nhờ có sự phát triển của du lịch làng nghề mà nhiều du khách đã biết danh tiếng làng nghề và tới thăm, tận mắt chứng kiến tài hoa của những người thợ Chuôn Ngọ.
Về Chuôn Ngọ hôm nay, trước khi đi thăm các xưởng, du khách vào thăm ngôi đình thờ tổ nghề được xây dựng lại vào năm 2002 trên nền của ngôi đình cũ đã bị chiến tranh tàn phá. Tại đây có rất nhiều tác phẩm được trưng bày (do dân làng và du khách cung tiến). Trong số hoành phi, câu đối được tạo tác tuyệt đẹp, nổi bật là bức đại tự khảm lớn được tạo hoàn toàn bằng chất liệu xà cừ (ốc đỏ), chạm khảm 4 chữ Hán lớn “Công cái hoàn vũ” (Công đầu bảo vệ bờ cõi). Đây là một cách giới thiệu rất ấn tượng về trình độ tay nghề người thợ Chuôn Ngọ.
Nếu về làng vào ngày 9 tháng Giêng hoặc ngày 9 tháng Tám (âm lịch), du khách sẽ được dự lễ lớn tưởng nhớ công lao của tổ nghề khảm trai. Trong lòng mỗi người dân Chuôn Ngọ đều khắc ghi lời tâm huyết như câu văn ghi tại đình làng: “Luôn luôn biết ơn mảnh đất thiêng liêng này đã cho dân làng cuộc sống thịnh vượng nhờ có nghề truyền thống của tổ tiên và nguyện sẽ phát triển nghề mãi mãi”. Nhiều thế kỷ qua, dân làng đã thực hiện tốt điều đó, không chỉ phát triển nghề ở làng, xã mà từ xưa đã lập ra phố nghề ở kinh thành Thăng Long để mở mang không gian làng nghề.
Đi sâu vào làng, du khách sẽ có dịp tìm hiểu nét đặc sắc riêng có, không thể trộn lẫn của nghệ thuật khảm trai Chuôn Ngọ so với các làng nghề cùng loại. Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Trâm, cái tài của người thợ - nghệ sĩ ở đây trước hết là “con mắt nghề”, thực chất là sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa.
Từ buổi ông tổ khai nghề đến nay, nghề khảm trai Chuôn Ngọ vẫn duy trì hoạt động tốt và thị trường thêm rộng mở. Những nghệ nhân tâm huyết đã đi đầu trong việc giữ nghề, truyền nghề để người làng không chỉ phát triển kinh tế mà còn bồi đắp, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống. Nhiều người trong làng nghề đã thấy thêm một hướng đi mới khi kết hợp sản xuất, kinh doanh với phát triển du lịch. Họ mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ để nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái làng nghề hấp dẫn ở Thủ đô Hà Nội.
Minh AnKinh tế số Việt Nam tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu nhờ thương mại điện tử, du lịch trực tuyến với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16% và 36 tỷ USD năm 2024…