Đặc sắc Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể Xuân Quý Mão 2023
Ngày 31/1 (Mùng 10 tháng Giêng), hàng vạn người dân và du khách đã đến với Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể, Xuân Quý Mão 2023 được tổ chức tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Đây là lễ hội truyền thống quan trọng của đồng bào Tày sinh sống ven vùng hồ Ba Bể nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Ngày 19/12/2014, "Hội xuân Ba Bể" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mang tên "Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể". Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc Tày là một trong những lễ hội lớn, là dịp để hội tụ, giao lưu, đoàn kết giữa các dân tộc, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian dân tộc phát triển, cơ hội để quảng bá du lịch, đưa du lịch Ba Bể ngày càng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Trước giờ khai mạc Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể, Xuân Quý Mão 2023, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, huyện Ba Bể và đại diện các xã đã tiến hành dâng lễ tại đền An Mạ, thả cá phóng sinh trên hồ Ba Bể. Đúng 9 giờ sáng ngày 10 tháng Giêng, nghi lễ quan trọng nhất của Lễ hội là rước mâm lễ đã trang trọng diễn ra là Lễ rước cỗ, dâng cỗ tái hiện lại nét đẹp văn hóa của cư dân vùng hồ Ba Bể, biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, sự gắn kết tình cảm, ước muốn cầu mùa, cầu nhân khang, vật thịnh.
Dẫn đầu đoàn rước, dâng lễ là đội múa Lân. Tiếp theo là các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống các dân tộc của 15 xã, thị trấn trong huyện Ba Bể, đầu đội mâm lễ tiến lên lễ đài để làm lễ thắp hương, thực hiện các nghi lễ khấn cầu năm mới nghiêm cẩn, trang trọng.
Đi đầu là mâm lễ đại diện cho nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể. Tiếp đến là mâm cỗ của đơn vị xã Nam Mẫu, nơi diễn ra lễ hội Lồng tồng Ba Bể. Tiếp theo là mâm lễ của người dân ở thị trấn Chợ Rã, xã Cao Thượng, Khang Ninh, Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ, Thượng Giáo, Địa Linh, Yến Dương, Chu Hương, Mỹ Phương, Hà Hiệu, Phúc Lộc, Bành Trạch.
Mâm lễ dâng lên các đấng thần linh gồm những sản vật của người nông dân Ba Bể với các sản phẩm văn hóa ẩm thực của vùng đất Ba Bể như: Xôi ngũ sắc, gà luộc, rượu nếp, các loại bánh trái tượng trưng cho trời đất, cỏ cây, hoa lá, thể hiện tâm lòng thành kính của người dâng lễ hướng về cội nguồn, cầu trời, khấn Phật cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, năng suất bội thu, cầu cho quê hương bình an, bản làng thịnh vượng.
Kết thúc phần lễ, hàng vạn người dân và du khách đã hào hứng hòa mình vào không khí tưng bừng của phần hội với hoạt động mở đầu là tung còn khai hội. Đây là trò chơi dân gian phổ biến của người Tày, người Thái, ẩn chứa giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tín ngưỡng của bà con Nhân dân.
Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tung còn lại trở thành trò chơi không thể thiếu được trong lễ hội Lồng tồng của bà con vùng cao. Những quả còn được khéo léo khâu ghép từ nhiều miếng vải màu xanh đỏ, sặc sỡ. Bên trong quả còn được nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người, còn bông cho sợi vải. Bên dưới được may thêm các tua rua vải nhiều màu sắc trang trí và giúp định hướng quả còn khi bay. Quả còn có bốn góc tượng trưng cho bốn phương trời, lóng lánh sắc màu, dây còn với các tua rua là những tia nắng, tia mưa cầu mong một tín hiệu tốt lành mưa thuận, gió hòa cho một năm mới mùa màng bội thu.
Khi người chơi tung quả còn bay cao sẽ mang đi cái rủi ro, đau ốm, cái úa vàng héo hon của cây trái. Khi quả còn rơi xuống, người đón quan niệm sẽ đón lấy cái may mắn, tốt đẹp, xanh tươi cho một năm mới thịnh vượng an khang. Các đôi trai gái có dịp giao duyên, tỏ tình gửi gắm tình cảm qua quả còn. Khi chàng trai thích cô gái nào họ tung còn cho nhau. Sau đó trao cho nhau những vật kỷ niệm để làm niềm tin.
Du khách đến với Lễ hội Lồng Tống Ba bể Xuân Quý mão 2023 rất thích thú khi trải nghiệm không gian văn hóa và trưng bày ảnh "Đất và người Ba Bể", được hòa mình tận hưởng những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát Then, đàn Tính, hát sli, hát lượn, hát đối đáp giao duyên, múa khèn của dân tộc Mông... Không chỉ có vậy, đến với lễ hội du khách còn rất thích thú được tham gia các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê; ném cổ vịt; bịt mắt đánh trống; đánh con quay; thi khâu còn, thi giã bánh giầy… thưởng thức các hương vị đặc sắc của văn hóa ẩm thực vùng đất Ba Bể. Đặc biệt, lần đầu tiên trong hội Xuân, huyện Ba Bể đưa vào hoạt động trải nghiệm bay dù lượn trên hồ Ba Bể. Trước đó, tối 30/1, trong khuôn khổ Lễ hội, UBND huyện Ba Bể đã tiến hành thả đèn hoa đăng trên hồ Ba Bể; các xã, thị trấn trong huyện tham gia trình diễn văn nghệ quần chúng.
Năm nay Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể có thêm nhiều hoạt động mới gắn với việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương. Bà Ma Thị Cử - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: "Lễ hội coi trọng gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là sử dụng sân khấu nổi quay lưng ra hồ tạo nên một khung cảnh vô cùng đẹp mắt. Huyện cũng đặc biệt chú trọng quảng bá các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương như lạp sườn, rau bò khai, tép chua, thịt chua… Các hoạt động thể thao cũng rất cuốn hút, Huyện mời các huyện, thị trong toàn tỉnh tham gia trưng bày sản phẩm OCOP, tham gia bóng chuyền mở rộng".
Một lễ hội với hàng vạn người tham gia được tổ chức rất quy củ, bài bản, đảm bảo an ninh trật tự là sự nỗ lực rất lớn của địa phương. Ông Nguyễn Văn Thoại - người dân đến từ xã Đông Lạc, huyện Chợ Đồn hân hoan: Lễ hội tổ chức tuyệt vời lắm, năm nay mọi người tham gia rất đông vui, ai cũng hân hoan phấn khởi. Nghi lễ tổ chức, các trò chơi dân gian rất đặc sắc.
Anh Dương Ngọc Thành - du khách đến từ Hà Nội vui vẻ cho biết: "Nghe nói đây là một trong những Lễ hội mùa Xuân lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc nên gia đình anh rất háo hức khi đến đây. Quả thật một không khí lễ hội rất đặc biệt, rực rỡ sắc màu và rất phong phú các hoạt động. Các con anh rất thích thú khi được tận mắt chứng kiến các hoạt động như tung còn, thi giã bành giầy, nghe hát Then, đàn Tính…Đây chắc chắn là trải nghiệm rất đáng nhớ của cả gia đình trong dịp đầu Xuân Quý Mão".
Tại Lễ hội, huyện Ba Bể rất coi trọng dành không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn và của huyện Ba Bể đến với du khách thập phương. Các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu của các huyện, thành phố và các xã, thị trấn, hợp tác xã trên địa bàn được bố trí ở vị trí khá trung tâm, thu hút rất đông du khách tới tham quan, mua sắm.
Tại gian hàng của HTX Hoàng Hương, chị Hoàng Thị Hương - Giám đốc cho biết: " HTX tham gia gian hàng trưng bày các sản phẩm giới thiệu các sản phẩm OCCOP như: Tép chua, mắm tép chưng thịt… Tép chua của Hoàng Hương được sản xuất từ loại tép chỉ có ở vùng hồ Ba Bể, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Qua Lễ hội này, Hoàng Hương bán được nhiều sản phẩm và thêm cơ hội để nhiều du khách biết đến các sản phẩm của HTX hơn. Mong muốn của HTX là thời gian tới sản phẩm OCOP tiếp cận nhiều hơn nữa các siêu thị, các điểm bán sản phẩm nông sản trên toàn quốc".
Lễ hội cũng là dịp để du khách tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của bà con các dân tộc huyện Ba Bể. Vừa giới thiệu với khách về chiếc áo chàm, nghệ nhân Nguyễn Xuân Thợi (82 tuổi ở thôn Bản Mới xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn) vui vẻ cho biết: "Du khách rất yêu thích áo chàm bởi áo chàm mùa đông ấm, mùa hè mát. Đã hơn 50 mươi năm nay ông may áo chàm, túi truyền thống các dân tộc được bà con và khách thập phương rất yêu thích. Hiện ông đang truyền dạy kỹ thuật cho con cháu và các bạn trẻ để giữ lại cái hồn, cốt cách dân tộc trong các sản phẩm may, túi".
Năm qua, du lịch Ba Bể đã có nhiều khởi sắc, với hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan du lịch và dần đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cũng được huyện quan tâm, những phong tục tập quán truyền thống văn hóa tốt đẹp được sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn và phát triển.
Đến với Ba Bể, cùng với Lễ hội Lồng tồng, du khách gần xa còn được trải nghiệm các địa danh trong khu du lịch Ba Bể như: Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Ba Bể, Đồn Đèn - xã Khang Ninh, làng Văn hóa thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc - xã Nam Mẫu; Thăm các danh lam thắng cảnh: Động Puông, Thác Đầu Đẳng, Ao Tiên, Đảo Bà Góa, Động Hua Mạ, Hang Thẳm Phầy, thác Tát Mạ; du lịch lịch sử nơi đã in dấu chân Bác Hồ từ Pác Bó về Tân Trào - Tuyên Quang như: Di tích Khuổi Mản (xã Hà Hiệu), Cốc Lùng (xã Bành Trạch), Tổng Luyên (thị trấn Chợ Rã), Pù Cút- Nà Hai (xã Quảng Khê), Bản Chán (xã Đồng Phúc). Đặc biệt là di tích lịch sử Phiêng Chì (xã Thượng Giáo) - nơi thành lập chính quyền cấp châu đầu tiên của cả nước trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước năm 1945…
Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể Xuân Quý Mão 2023 kết thúc vào ngày 1/2/2023 với các hoạt động thi đấu bán kết, chung kết giải bóng chuyền và thi đấu môn kéo co.
Phương LoanKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.