Đặc sắc trong cải cách hành chính và chuyển đổi số tại Hậu Giang

Địa phương
10:52 PM 20/10/2024

Hậu Giang là tỉnh còn non trẻ, thành lập 20 năm nhưng nhờ bộ máy chính trị vững chãi, chính quyền đoàn kết mạnh mẽ, đặc biệt là rất cấp tiến trong xây dựng nền hành chính công nên công cuộc cải cách hành chính (CCHC) có những điểm sáng đặc sắc.

Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có cuộc trao đổi ngắn với ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Hậu Giang dù là tỉnh nghèo, ít tài nguyên, đời sống người dân còn nhiều khó khăn… nhưng là địa phương thường xuyên có mặt trong top những tỉnh có chỉ số cạnh tranh cao, cải cách hành chính tốt là vì sao, thưa ông?

Đặc sắc trong cải cách hành chính và chuyển đổi số tại Hậu Giang- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu chào mừng Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024.

Ông Đồng Văn Thanh: Hậu Giang là tỉnh trẻ, từ lúc thành lập tỉnh đến nay, tuy có nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang luôn luôn xác định nhiệm vụ tăng trưởng các Chỉ số cạnh tranh, cải cách hành chính (CCHC) của Tỉnh là "nhiệm vụ trọng tâm", là "khâu đột phá" để góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, với "quyết tâm chính trị" cao, sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các ngành, các cấp là giải pháp then chốt để Tỉnh có những kết quả tốt trong thực hiện các Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa nội dung CCHC, tăng trưởng các chỉ số là một trong ba nhiệm vụ đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu thứ hạng tăng qua từng năm (năm sau cao hơn năm trước) và được Trung ương xếp trong top 30 toàn quốc đến năm 2025.

Với tinh thần trách nhiệm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị Tỉnh, hiệu quả đạt được trong thực hiện các Chỉ số của Tỉnh qua từng năm hết sức khả quan, riêng năm 2023, Tỉnh được các cơ quan, bộ, ngành trung ương đánh giá tăng cả về điểm số và thứ hạng, cụ thể: PAR INDEX đứng thứ 19 toàn quốc và đứng thứ 2/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (đầu nhiệm kỳ năm 2020 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 4/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long). 

Bên cạnh đó, các chỉ số cạnh tranh còn lại của Tỉnh đều tăng và có thứ hạng khá, tốt toàn quốc (PCI xếp hạng hạng thứ 09 (năm 2020 hạng 38; SIPAS xếp hạng 29 (năm 2020 hạng 52), PGI xếp hạng 11 (năm 2022, năm đầu tiên công bố chỉ số Tỉnh hạng 47), kết quả này đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang.

Đạt được những kết quả trên, Tỉnh đã thực hiện thêm nhiều nội dung để tháo "nút thắt" về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), với mục tiêu cải cách phải mang giá trị "thực chất", giải pháp là điều chỉnh thể chế theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết thủ tục và có chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh đó là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các dịch vụ công thiết yếu (nhất là các dịch vụ công theo Đề án 06/CP của Chính phủ và các dịch vụ công thiết yếu có tần suất phát sinh hồ sơ nhiều theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân), tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, các nhân tham gia thực hiện TTHC, nhằm tăng mức độ hài lòng đối với cơ quan hành chính khi thực hiện các hồ sơ thủ tục.

Phóng viên: Cải cách hành chính luôn đồng hành với xây dựng chính quyền hiện đại, đó là chính quyền điện tử thông qua việc chuyển đổi số. Thời gian qua, cùng với các tỉnh thành trong cả nước, Hậu Giang cũng đẩy mạnh việc chuyển đổi số, kết quả có những đặc sắc nào, thưa ông?

Ông Đồng Văn Thanh: Hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, trong 3 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành hơn 23 quyết định, 28 kế hoạch và 01 chương trình để chỉ đạo, triển khai thực hiện thúc đẩy chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh. Tỉnh đã xây dựng Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, đến nay thu hút 09 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư và hoạt động vào Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, gồm các ngành nghề như: Sản xuất sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, BPO… với hơn 350 lao động đang làm việc.

Các đại biểu ấn nút khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024.

Các đại biểu ấn nút khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024.

Về hạ tầng số trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu địa phương (LGSP); ứng dụng di động Hậu Giang; hệ thống họp không giấy… Hiện tại, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình và đến 100% cấp xã đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Mạng 4G được triển khai 100% đến vùng sâu, vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và đã triển khai 2 trạm thu, phát sóng thông tin di động (5G).

Tỉnh đã xây dựng nền tảng kết nối LGSP cấp tỉnh và 6 hệ thống có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng LGSP cấp tỉnh bao gồm cổng dịch vụ công - hệ thống một cửa điện tử; cổng thông tin điện tử tỉnh; app Hau Giang; phần mềm quản lý văn bản; hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh; hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) gồm 4 dịch vụ: Quản lý văn bản, dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh.

Điểm nhấn hiện nay là Hậu Giang sẽ hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với TTHC đủ điều kiện đạt trung bình tối thiểu 95%. 

Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống thông tin giải quyết TTHC thông qua định danh điện tử VNeID đạt 100%. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết TTHC đạt 90%. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) tại Tỉnh đạt 90%; cấp huyện đạt 80%; cấp xã đạt 60%. 

100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang băng rộng. Tỷ lệ phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước đạt 100%, tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của các cơ quan nhà nước đạt 100%.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)
Ý kiến của bạn
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục

Tối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.