Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm tiếp thuế để kìm giá xăng dầu

Chính sách
11:25 AM 03/06/2022

Để tránh "hiệu ứng domino" tới các mặt hàng khác, các đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội việc giảm thêm các loại thuế để kìm đà tăng của giá xăng dầu.

Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có 10 đợt tăng, 3 đợt giảm. Từ 15h chiều 1/6, giá xăng bán lẻ trong nước đã lập kỷ lục mới, vượt 31.000 đồng mỗi lít xăng RON 95. Giá xăng sinh học E5 RON 92 cũng tăng lên mức 30.230 đồng/lít. Đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp của xăng trong chưa đầy hai tháng.

Giá xăng liên tiếp phá kỷ lục, Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm tiếp thuế để kìm giá xăng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy

Giá xăng dầu trong nước liên tiếp phá kỷ lục. Đây là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tại kỳ họp đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có ngay giải pháp bình ổn giá mặt hàng này, tránh hiệu ứng domino tới các mặt hàng khác.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) lưu ý, giá xăng dầu là một trong hai biến số quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% từ đầu tháng 4 đến cuối năm nay, nhưng với đà tăng giá thế giới thì việc giảm thuế này được đánh giá như "muối bỏ bể".

“Nếu để giá xăng, dầu tăng cao sẽ dẫn đến các mặt hàng khác đều tăng giá theo”, ông Ngân nói, đồng thời đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi “té nước theo mưa” và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Giá xăng liên tiếp phá kỷ lục, Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm tiếp thuế để kìm giá xăng - Ảnh 2.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM). Ảnh: Tiền Phong

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường, Bùi Mạnh Khoa và nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ ngay tại kỳ họp đang diễn ra, trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giảm thêm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu. 

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hoá) nói, dự báo giá xăng dầu thời gian tới có thể tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, gây lạm phát, ảnh hưởng thu nhập, chi tiêu của người dân. Để đảm bảo giá xăng dầu bớt tăng quá “nóng”, đại biểu đề nghị sớm quyết định điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng tương tự việc giảm thuế bảo vệ môi trường vừa qua. Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhưng theo đại biểu, Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp. Muốn giảm được giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng cần phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Ví dụ, thuế trong giá xăng dầu của nước ngoài chiếm từ 45 đến 60% nhưng đối với nước ta chỉ từ 29 đến 30% thuế trong giá xăng dầu. Như xăng A92, các loại thuế trong xăng dầu chỉ chiếm 28% trong giá xăng dầu. Vừa qua đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác, hiện đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

"Giảm thuế có nghĩa là chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa; đương nhiên phải cắt giảm các khoản chi. Tuy nhiên, đối với nước ta là nước xuất xuất khẩu dầu thô, mỗi năm khoảng trên 8.000.000 thùng dầu thô nên khi giá dầu thô lên, chúng ta cũng bù đắp được một phần. Tuy nhiên, vấn đề giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, đánh giá tác động để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tính đến vấn đề chống buôn lậu, bởi vì giá xăng dầu của chúng ta đang chênh so với Lào, Campuchia... Về vấn đề thúc đẩy nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng nhấn mạnh phải tập trung để nâng công suất của hai Nhà máy chế biến xăng dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong thời gian tới.


An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.