Đại dịch Covid-19: Giá trị sản xuất thủy sản vẫn tăng trong những tháng đầu năm

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:48 PM 21/08/2020

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất (GTSX) thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,41%. Ước cả năm, GTSX thủy sản tăng 3,2-3,5%; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8,565 triệu tấn, tăng 5,9% so với năm 2019; trong đó sản lượng khai thác đạt 3,9 triệu tấn, tăng 5,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 4,665 triệu tấn, tăng 6,3%.

Mặc dù, còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch Covid-19, giá cá tra giảm, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trên cá tra và các sản phẩm Silurifomes do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố… là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cạnh tranh hơn.

Đại dịch Covid-19: Giá trị sản xuất thủy sản vẫn tăng trong những tháng đầu năm - Ảnh 1.

Vì vậy, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt khoảng 3,86 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng ước đạt 1,98 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Sản lượng cá Tra đạt 644,7 nghìn tấn, giảm 5%; tôm sú đạt 118,7 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm thẻ chân trắng đạt 200,5 nghìn tấn, tăng 6,6%.

Trong nuôi trồng:

Chủ động sản xuất giống thủy sản chất lượng các đối tượng nuôi chủ lực, cơ cấu lại hệ thống sản xuất giống, gắn với vùng nuôi; đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản. Ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và PTNN đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương tăng cường quản lý giống thủy sản theo Nghị định số 04/2020/ND-CP ngày 3/1/2020 của Chính phủ.

Chỉ đạo, hướng dẫn nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong nuôi trồng thủy sản: Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; phòng chống rét; sản xuất tôm nước lợ; quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; giải pháp ổn định sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ ứng phó với đại dịch Covid-19…

Phối hợp với các Viện nghiên cứu NTTS triển khai quan trắc và giám sát môi trường định kỳ tại các vùng NTTS tập trung trên các đối tượng nuôi chủ lực (ngao, tôm nước lợ, tôm hùm, cá tra, cá rô phi) tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; ban hành bản tin dự báo biến động môi trường, bản tin cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh trên tôm phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất.

Trong khai thác:

Các tàu khai thác tiếp tục được hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển; trong đó có nhiều tàu cá công suất lớn, vỏ thép, vỏ composite có trang bị hiện đại được ngư dân đầu tư đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa.

Đến nay, toàn quốc có 96.600 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó 47.448 chiếc có chiều dài từ 6-12m, 18.687 chiếc có chiều dài từ 12-15m, 27.865 chiếc có chiều dài từ 15-24m, 2.618 chiếc có chiều dài >24m. Tàu cá vỏ gỗ chiếm tỉ lệ 98,6%, còn lại là vỏ thép và vỏ vật liệu mới.

Theo định hướng về phát triển bền vững trong lĩnh vực khai thủy sản, thời gian qua số lượng tàu cá tiếp tục giảm, cơ cấu nghề khai thác được điều chỉnh theo hướng giảm dần khai thác ven bờ, nghề gây hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái, đẩy mạnh khai thác xa bờ, duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường.

Khuyến cáo, hướng dẫn ngư dân có biện pháp giảm thời gian bảo quản sản phẩm hải sản khai thác trên tàu như giảm bớt thời gian chuyến biển, liên kết với các tàu dịch vụ hoặc tăng cường áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác để kịp thời vận chuyển về bờ, đảm bảo chất lượng, cung cấp các sản phẩm hải sản tươi để tiêu thụ tại trị trường nội địa.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo về IUU. Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo từng bước khắc phục các khuyến nghị của EC.

Hương Mai
Ý kiến của bạn