Đại dịch Covid-19 thay đổi thế giới: Người già càng hạnh phúc, giới trẻ ngày một nghèo
Dù là đối tượng dễ "ra đi" nhất mùa dịch, những người già hiện nay lại đang lạc quan hơn giới trẻ.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng việc đại dịch khiến nhiều người già tử vong chẳng ảnh hưởng đến hạnh phúc của những người cao tuổi. Theo tờ Economist, người già hiện nay có chỉ số hài lòng cao hơn nhiều so với giới trẻ, đối tượng vốn bị mất thu nhập và đang phải lâm vào cảnh bần cùng.
Chỉ số hạnh phúc
Cô Park Ha Young là một sinh viên sắp tốt nghiệp của trường đại học quốc gia Seoul và đại dịch Covid-19 trong năm qua đã khiến người phụ nữ này chẳng mấy vui vẻ gì.
"Thật đáng sợ khi chẳng may bạn trở thành người lây bệnh cho cộng đồng", cô Park lo lắng.
Cuộc sống hàng ngày của cô Park hoàn toàn bị đảo lộn, nỗi lo sợ về công ăn việc làm, cơ hội được giao tiếp với bạn bè bị hạn chế đã khiến cô trở nên ngày càng bất an với cuộc sống.
Trái ngược lại, nhiều người cao tuổi tại Hàn Quốc và trên thế giới lại cảm thấy thoải mái hơn khi con cháu ở nhà. Dù phải đối mặt nguy cơ tử vong cao hơn nhưng những người cao tuổi cũng nghĩ thoáng về sự ra đi. Đối với họ, được sum vầy cùng con cháu trong mùa dịch còn đáng quý hơn nỗi sợ nhiễm bệnh và tử vong.
Một cuộc khảo sát của tổ chức Gallup tại 95 quốc gia trên thế giới cho thấy chỉ số hạnh phúc của người trên 60 tuổi đã tăng 0,22 điểm phần trăm trong khoảng 2017-2020.
Chuyên gia tâm lý học Celina Beatriz Gazeti dos Santos đã 64 tuổi sống ở Brazil cảm thấy cuộc sống đang bị đảo lộn vì đại dịch nhưng bà lại hạnh phúc hơn trước khi biết rằng mình vẫn còn rất nhiều người thân quan tâm .
Tại Anh, các chỉ số hạnh phúc đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch nhưng điều trớ trêu là những người già trên 70 tuổi lại là đối tượng ít buồn phiền nhất. Trong khi đó, giới trẻ Anh lại là những người than phiền và buồn chán nhất khi bị nhốt ở nhà và mất thu nhập.
Điều tương tự cũng diễn ra ở hàng loạt các quốc gia phát triển khi người già cảm thấy hạnh phúc và trân trọng trong bối cảnh cả nước dồn sức và hy sinh để bảo vệ họ. Người già là đối tượng được ưu tiên xét nghiệm và chăm sóc trong mùa dịch. Họ cũng là đối tượng được tiêm vaccine trước nhất.
Chuyên gia kinh tế John Helliwell của trường đại học British Columbia có tham gia vào Báo cáo hạnh phúc toàn cầu (WHR) cho biết chỉ có 36% số nam giới trên 60 tuổi cảm thấy họ có vấn đề về sức khỏe trong năm vừa qua, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% của 3 năm trước.
Thay đổi thứ hạng hạnh phúc của một số quốc gia
Con số này cũng giảm mạnh từ 51% xuống còn 42% ở nữ giới trong cùng kỳ. Trên thực tế, người già không hề khỏe hơn mà chính rủi ro về dịch bệnh Covid-19 khiến họ cảm thấy mình may mắn và tốt hơn trước khi không dính bệnh.
Trái lại ở giới trẻ, dịch Covid-19 quả là thứ đáng sợ khi khiến tỷ lệ thất nghiệp cho lao động độ tuổi 20-24 tại những nền kinh tế như Mỹ tăng từ 6,3% vào tháng 2/2020 lên 25,6% sau 2 tháng. Nhiều vợ chồng trẻ mắc kẹt tại nhà khi vừa phải chăm con vừa phải kiếm nguồn thu nhập khác. Hàng loạt những mối quan hệ, hoạt động xã hội bị loại bỏ khiến giới trẻ bị trầm cảm.
Kẻ vui người buồn
Trong Báo cáo chỉ số hạnh phúc toàn cầu (WHR), người dân của các quốc gia cũng có sự tăng giảm hạnh phúc khác nhau. Người Anh tụt hạng vì đại dịch thì Đức lại nhảy từ bậc 15 lên bậc 7 trong top các nước hạnh phúc nhất thế giới.
Nguyên nhân cũng dễ hiểu bởi Anh có đến hơn 190 người chết trên mỗi 100.000 công dân thì con số này chỉ vào khoảng 77 trên 100.000 người ở Đức. Dù toàn Châu Âu phải gồng mình chống dịch nhưng nhìn chung, chính phủ Đức triển khai hiệu quả nhất công cuộc dập dịch trên toàn quốc.
Điều đặc biệt là những nước từng đứng top trong bảng xếp hạng trước đây như Phần Lan, Iceland hay Đan Mạch vẫn giữ vững ngôi đầu bất chấp dịch Covid-19. Các quốc gia này đã phòng chống dịch khá tốt và giữ được tỷ lệ tử vong dưới 21 người trên 100.000 công dân. Thậm chí, Iceland chỉ có khoảng 29 người thiệt mạng trong đợt dịch vừa qua.
Băng TâmCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.