Đại dịch COVID-19 thay đổi thói quen, 'bùng nổ' thanh toán không dùng tiền mặt
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế nhanh hơn khi bộ phận lớn người tiêu dùng đang có xu hướng ưa thích thanh toán không dùng tiền mặt.
- Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP
- Chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt là nhu cầu bức thiết, các dịch vụ đã đi vào mọi ngóc ngách của đời sống
- Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: Từ mạnh ai nấy làm đến giang sơn quy về một mối
- Thanh toán không dùng tiền mặt - Làm sao để lan tỏa?
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi khía cạnh đời sống. Không nằm ngoài xu thế chung, thị trường thanh toán cũng đã thay đổi nhiều. Tại Hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt” được tổ chức ngày 19.11 trong khuôn khổ Chương trình “Ngày không tiền mặt”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị và qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.
Báo cáo của NHNN cũng cho thấy số liệu tăng trưởng, cụ thể, thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số. Chỉ từ tháng 3.2021 đến nay, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Lưu Tuấn Nghĩa - Giám đốc Phát triển kinh doanh mảng chấp nhận thanh toán - Visa Việt Nam cho biết tần suất thanh toán bằng tiền mặt giảm đáng kể từ đại dịch COVID-19 và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa trong tương lai.
Cụ thể, trung bình khoảng 5 người tiêu dùng Việt Nam có ít nhất 3 người cho biết mang ít tiền mặt trong ví hơn so với trước đây. Lý do chính là họ đã quen với việc thanh toán bằng thẻ và các phương thức không chạm tới tiền mặt. Tại báo cáo, người tiêu dùng cho biết xu hướng chuyển sang không dùng tiền mặt nhờ sử dụng thẻ là 65% và ví điện tử là 70%.
Theo ước tính của Visa, số lượng giao dịch thanh toán tiền mặt trung bình trước thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 là 6,8/10 lần giao dịch và hiện nay đã giảm xuống còn 5,4 lần.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ cần trả lời được câu hỏi sẽ làm gì để thuyết phục người tiêu dùng “ở lại” với thói quen thanh toán không tiền mặt khi dịch đi qua. Minh chứng cho nhận xét trên, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, thanh toán của người tiêu dùng tại hệ thống Saigon Co.op trong suốt mùa dịch vừa qua. Từ tỉ trọng 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op thì trong dịch COVID-19 đã tăng vọt lên 40%, nhiều thời điểm lên đến 50%. Tuy nhiên, sau khi dịch đi qua thì tỉ lệ này chỉ còn đạt mức bình quân 10%. Sự thay đổi cho thấy thách thức để thói quen thanh toán không tiền mặt còn rất nhiều.
Khảo sát mới nhất của Saigon Co.op đã chỉ ra những trở ngại đang ảnh hưởng đến thói quen này của người dùng. Có đến 28% người dùng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa thực sự tiện lợi trong khi các điểm chấp nhận thanh toán chưa nhiều, chưa đa dạng. Có đến 27% người dùng vẫn còn nhiều băn khoăn về các thông tin liên quan đến thanh toán không tiền mặt.
Tập trung nhiều giải pháp toàn diện
Xác định việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Chính vì vậy, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: NHNN sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó hoàn thiện các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định quy định về cơ chế thí điểm sandbox thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo cơ chế pháp lý cho các mô hình mới trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt cũng như chuyển đổi số.
"NHNN cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kết nối liên thông tất các các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán cũng như các tổ chức cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế", Thống đốc chia sẻ.
Song song đó, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống TCTD đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai các giải pháp công nghệ như định danh khách hàng điện tử (e-KYC), tập trung công nghệ bảo mật đảm bảo an toàn giao dịch, bảo vệ dữ liệu, quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Cùng với đó là tập trung truyền thông mạnh mẽ chủ trương xây dựng xã hội không tiền mặt đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính - ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó góp phần thay đổi hành vi, thói quen và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng dịch vụ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
HM (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.